Multimedia Đọc Báo in

Liên kết sản xuất: Thành công nhìn từ một hợp tác xã nông nghiệp

15:19, 31/05/2020

Vụ đông xuân 2019 - 2020, nhờ mạnh dạn đầu tư thiết kế mương máng, ao hồ dự trữ nguồn nước dẫn từ hồ Ea Súp Thượng về tưới cho cánh đồng lúa sản xuất tập trung hơn 80 ha tại thôn 14A, xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp) nên Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp cánh đồng 8-4 không có diện tích nào bị thiếu nước như những năm trước, dù diện tích lúa đã tăng 300% so với năm 2018.

Sản lượng lúa cao sản các loại thu hoạch vụ đông xuân này của HTX là hơn 500 tấn, trong đó gần 40% là lúa gạo đen thảo dược Phúc Thọ. Hầu hết các loại lúa cao sản đã được HTX liên kết bao tiêu đầu ra với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed). Dự tính doanh thu vụ lúa đông xuân 2019 - 2020 của riêng cánh đồng xã Ya Tờ Mốt là hơn 4,5 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lãi thuần chừng 2,5 tỷ đồng, chưa kể nhiều diện tích lúa của HTX tại những địa phương khác trong tỉnh.

Máy gặt đập liên hợp được sử dụng trên cánh đồng tại xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp.
Máy gặt đập liên hợp được sử dụng trên cánh đồng tại xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp.

Ông Lã Như Kỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết, để sản xuất cùng lúc một diện tích lúa lớn như vậy, hầu hết các giai đoạn sản xuất HTX đều ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm giảm giá thành sản phẩm, gia tăng giá trị nông nghiệp trên đơn vị diện tích. Ông Kỹ đã cho quy hoạch cánh đồng lúa theo lô, bờ thửa hợp lý để thuận lợi cho việc tưới tiêu; cơ giới hóa toàn bộ quá trình sản xuất từ khâu làm đất, gieo sạ, bón phân, phun thuốc và thu hoạch lúa.

Nếu những năm 1996, 1997, để thu hoạch vài héc-ta lúa phải cần đến vài chục nhân công, có khi cả trăm người mới đáp ứng yêu cầu công việc thì hiện nay HTX đã sử dụng máy gặt đập liên hợp để thu hoạch lúa (vừa cắt, vừa thổi lép để đóng bao), một ngày gặt đến vài héc-ta chỉ cần vài nhân công. Kể cả khâu phơi lúa cũng không như trước kia phải phơi ra sân, trở lúa cho khô đều…, bây giờ lúa sau khi thu hoạch được cho đưa vào lò sấy, mỗi mẻ được 15 tấn lúa, theo đó giảm được 40% chi phí phơi lúa so với phương pháp thủ công. Điều quan trọng nữa là lúa sấy qua lò sấy sạch sẽ, không bị thất thoát, hư hỏng khi thời tiết bất thường.

Được biết, hiện nay diện tích sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh vẫn còn manh mún, mỗi hộ sở hữu từ vài trăm mét vuông đến vài sào. Với diện tích như vậy khó ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên hiệu quả kinh tế rất thấp, thậm chí không có lãi. Thực tế cho thấy, việc tích tụ ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa là xu thế tất yếu trong hội nhập kinh tế và phân công lao động hiện nay. Thông qua thành công mô hình sản xuất lúa theo liên kết chuỗi giá trị của HTX Dịch vụ nông nghiệp cánh đồng 8-4, thiết nghĩ các địa phương cần quan tâm hơn về chủ trương tập trung ruộng đất qua hình thức liên kết hình thành HTX, tổ hợp tác trong phát triển sản xuất lúa gạo. Các thành viên HTX, tổ hợp tác cùng nhau góp đất đai, vốn liếng để tổ chức sản xuất nông nghiệp, trong đó HTX, tổ hợp tác thực hiện vai trò cung cấp dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào, dịch vụ kỹ thuật cho sản xuất, cũng như liên kết tiêu thụ sản phẩm do các thành viên sản xuất ra. Liên kết sản xuất, hình thành chuỗi giá trị, gia tăng lợi nhuận là hướng phát triển bền vững.

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.