Multimedia Đọc Báo in

Sợ rủi ro, nhiều nhà vườn không mặn mà với thị trường tết

09:52, 13/01/2020

Trong khi các nhà vườn ở mọi nơi đang ráo riết tập trung chăm sóc vườn cây để có sản phẩm bán vào dịp Tết Nguyên đán thì nhiều nhà vườn ở Đắk Lắk lại không mặn mà lắm, với lý do rủi ro cao…

Nhiều năm nay, nông dân Đắk Lắk đã tận dụng lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển mạnh các loại cây ăn trái, chiếm lĩnh thị trường trong tỉnh và khu vực Tây Nguyên. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có gần 22.730 ha cây ăn quả (tăng trên 6.200 ha so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó cây có múi thuộc họ cam, quýt khoảng 1.874 ha.

Vườn cây ăn quả của gia đình chị Trịnh Thị Hoa đang chuẩn bị cho vụ thu hoạch sau Tết Nguyên đán.
Vườn cây ăn quả của gia đình chị Trịnh Thị Hoa đang chuẩn bị cho vụ thu hoạch sau Tết Nguyên đán.

Trước tình trạng diện tích cây ăn quả tăng nhanh, năm nay nhiều nhà vườn đã chủ động điều chỉnh vườn cây cho trái vụ, chứ không nhắm vào thị trường tết như mọi năm. Anh Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX Cây ăn trái Vang Thanh Ea Súp (xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp) cho biết, hiện HTX có 50 ha cây ăn trái các loại (xoài, ổi, chanh, quýt…), mặc dù chỉ mới có một số ít diện tích cho thu hoạch nhưng các thành viên đều không nhắm vào thị trường tết vì năm nay nơi nào cũng trồng được cây ăn trái, nguy cơ dội hàng sẽ cao. Để tránh rủi ro về giá, bà con đều xử lý vườn cây cho ra trái vụ (trước và sau Tết) để phục vụ thị trường ngày thường với giá ổn định.

Tương tự, HTX Dịch vụ nông nghiệp Minh Đức (huyện M’Đrắk) hiện có 10 ha cây ăn trái (cam, quýt, bưởi) đã được các thành viên thu hoạch bán hết trước Tết Nguyên đán, các nhà vườn đang chăm sóc cho vụ mới sau Tết. Theo chị Trịnh Thị Hoa (thôn 3, xã Cư Prao), gia đình chị có 2 ha trồng xen 600 cây bưởi da xanh, 2.000 cây cam xoàn, 1.000 cây quýt đường. Sau khi tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu của thị trường, chị nhận thấy năm nay diện tích cây ăn trái tăng nhanh không chỉ trên địa bàn Đắk Lắk mà ở cả các tỉnh lân cận như Đắk Nông, Gia Lai, Phú Yên… nên lượng trái cây tung ra vào dịp Tết sẽ rất lớn, đó là chưa kể các loại trái cây từ miền Tây lên và các loại trái cây nhập khẩu khác. Do đó, gia đình chị quyết định làm trái vụ và bán hết trước Tết Nguyên đán.

Việc tăng nhanh về diện tích, sản lượng, trong khi sản phẩm tiêu thụ chủ yếu là thị trường nội địa, giá trị xuất khẩu không đáng kể nên giá cả bấp bênh khiến nhiều nhà vườn e ngại đầu tư cho thị trường tết.

Trong khi các nhà vườn lo chăm sóc vụ mới thì các thành viên của HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ - Vận tải Thành Công (HTX Thành Công) ở xã Cư Elang (huyện Ea Kar) đối mặt với sâu bệnh hại gây vàng lá, hư quả, khiến năng suất giảm đến 70%. Ông Trương Phú Định, Giám đốc HTX cho biết, tổng diện tích của HTX có 110 ha, bệnh vàng lá, thối rễ khiến nhiều vườn cây chết gần hết nên bà con không chú trọng đến thị trường tết, thu hoạch đến đâu bán đến đó. Mặt khác, thị trường trái cây đang bão hòa, các nơi đều trồng cây ăn trái, giá cũng không cao hơn so với mọi năm nên bà con cũng không mặn mà.

Vườn quýt của thành viên HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ - Vận tải Thành Công đang cho thu hoạch trước Tết Nguyên đán.
Vườn quýt của thành viên HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ - Vận tải Thành Công đang cho thu hoạch trước Tết Nguyên đán.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các loại cây ăn quả ở Đắk Lắk có chất lượng tốt ngang với các vùng khác nên người tiêu dùng cũng rất ưa chuộng. Hiện trên địa bàn tỉnh hình thành nhiều vùng chuyên canh về cây ăn quả như Ea Kar, Krông Năng, Krông Pắc, Buôn Đôn... Ngành Nông nghiệp  khuyến cáo bà con nông dân cần thực hiện kịp thời các biện pháp phòng bệnh do thời tiết, thường xuyên thăm vườn để có biện pháp phòng trừ kịp thời…

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.