Multimedia Đọc Báo in

Chợ Tết chờ người mua

09:54, 13/01/2020

Tết Nguyên đán đang đến cận kề nhưng không khí mua sắm tại các chợ trên địa bàn tỉnh trầm lắng hơn hẳn mọi năm. Nhiều tiểu thương không khỏi lo lắng khi hàng tết bày nhiều trên kệ nhưng vẫn trong tình trạng… chờ người mua.

Trái ngược với hình ảnh mua bán tấp nập của những năm trước, nhiều chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh hiện vẫn chưa lấy gì làm sôi động, dù đã là thời điểm cuối năm.

Vốn là đầu mối mua sắm hàng hóa lớn nhất của tỉnh, nhưng những ngày cuối năm này chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột lại rơi vào cảnh người bán nhiều hơn người mua, khách đi chợ không tấp nập như mọi năm. Chị Nguyễn Thị Tâm, tiểu thương kinh doanh giày dép tại tầng 2, chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột cho hay, nhu cầu mua sắm của người dân không cao, hiện sức mua chỉ bằng khoảng 40% so với năm trước dù giá hàng hóa vẫn đứng yên.

Chợ thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M'gar) rơi vào cảnh vắng vẻ, người bán nhiều hơn người đến mua.
Chợ thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M'gar) rơi vào cảnh vắng vẻ, người bán nhiều hơn người đến mua.

Tại chợ Trung tâm huyện Ea Kar, sức mua của người tiêu dùng vẫn không tích cực hơn. Thời điểm này, hàng hóa bày bán đủ loại, đủ kiểu mẫu nhưng người mua thì ít, đi đến đâu cũng nghe tiểu thương kêu ca “chợ ế, kinh doanh khó”. Đã hơn 10 giờ sáng ngày 15 tháng Chạp, nhưng quầy bán quần áo của chị Trịnh Thị Thủy ở chợ Trung tâm huyện Ea Kar vẫn chưa có khách mở hàng. Chị Thủy than thở, thông thường quần áo bao giờ cũng là ngành hàng đón khách đi sắm tết sớm nhất, nhưng năm nay, đã giữa tháng Chạp rồi mà nhiều mặt hàng vẫn còn nằm yên trên kệ. Trong tổng số hàng hóa nhập về để bán dịp này, chị mới bán được chưa đến 20%.

Tương tự, tại huyện Ea H’leo, chợ trung tâm Ea H’leo (thị trấn Ea Drăng) và ngay cả chợ xã vùng ven như chợ xã Ea Hiao cũng rơi vào cảnh đìu hiu vắng khách. Khu vực kinh doanh quần áo, giày dép, bánh kẹo, sạp nào cũng trưng bày hàng kín cả lối đi nhưng tiểu thương lại “mỏi cổ ngóng khách”. Kinh doanh quần áo ở chợ Ea H’leo đã hơn 20 năm, nhưng theo chị Lê Thị Ngọc Hồng, chưa năm nào chợ tết lại sụt giảm sức mua đến vậy. Vào dịp này năm ngoái, quầy hàng của chị lúc nào cũng tấp nập khách ra vào, phải huy động đến ba nhân viên mới kịp bán hàng thì nay đứng cả ngày chỉ được vài người khách hỏi mua. Sức mua mặt hàng quần áo chỉ bằng 30% so với mọi năm.

Chợ xã Ea Hiao có 90 hộ kinh doanh nhưng chợ tết cũng đang rơi vào cảnh đìu hiu vắng khách, có tiểu thương cả ngày chỉ bán ra được vài ba sản phẩm, thậm chí nguyên cả buổi sáng chẳng bán được một món đồ nào. Ông Lê Vĩnh Tiến, Giám đốc Hợp tác xã Thương mại dịch vụ Thành Công - Hợp tác xã kinh doanh chợ - cho hay, dù là cận tết nhưng chợ vắng, sức mua giảm hẳn, lượng hàng hóa về chợ chưa bằng một nửa so với mọi năm.

Dù đã cận Tết nhưng chợ Ea Kar vẫn đìu hiu khách mua hàng.
Dù đã cận Tết nhưng chợ Ea Kar vẫn đìu hiu khách mua hàng.

Tình hình mua bán ở chợ thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar) cũng không mấy cải thiện. Nhiều tiểu thương cho hay, hàng hóa bán ra không thấm vào đâu so với lượng hàng đã nhập về. Sức mua đã giảm đến 60% so với những năm trước. Cứ đà này thì không biết lấy đâu ra tiền để trả tiền hàng.

Không riêng gì quần áo, thực phẩm là mặt hàng thiết yếu khiến người tiêu dùng không thể không mua, thế nhưng một số quầy hàng như thịt heo, cá, trái cây… cũng thưa thớt khách. Chị Nguyễn Thị Hai, tiểu thương kinh doanh thịt tại chợ Quảng Phú chia sẻ, kinh tế khó khăn cộng với việc giá thịt heo tăng cao nên ngành hàng này càng bị sụt giảm sức mua, lượng hàng chị nhập về bán mỗi ngày cũng giảm đáng kể, chỉ bằng một nửa so với ngày thường.

Theo tìm hiểu, nguyên nhân dẫn đến tình hình kinh doanh tại các chợ èo uột là do giá nông sản trên địa bàn tỉnh năm qua tiếp tục xuống thấp, người dân tiết giảm các khoản chi tiêu và không mạnh tay sắm tết như mọi năm. Thêm vào đó, trong năm nay đã có thêm nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi mở ra và thường xuyên tổ chức các chương trình giảm giá, khuyến mãi hấp dẫn nên đã chia nhỏ khách đến với chợ truyền thống.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.