Multimedia Đọc Báo in

Biến nắng, gió thành tiền tỷ

07:19, 29/01/2020

Những dự án điện gió, điện mặt trời (ĐMT) đầu tiên trên địa bàn tỉnh đã hòa lưới điện Quốc gia hàng chục triệu kWh điện là lời khẳng định thuyết phục về hiệu quả kinh tế - xã hội của việc phát triển năng lượng tái tạo (NLTT).

Cụm nhà máy ĐMT Sêrêpốk 1 của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển điện Đại Hải và nhà máy ĐMT Quang Minh của Công ty Cổ phần Điện mặt trời Sêrêpốk có tổng công suất 100 MWp, được xây dựng trên diện tích đất 120 ha với tổng mức đầu tư gần 2.300 tỷ đồng chính thức phát điện vào cuối tháng 1-2019, là một trong những cụm nhà máy ĐMT lớn nhất Việt Nam được phát điện. Cụm nhà máy này cung cấp cho điện lưới Quốc gia sản lượng điện khoảng 150 triệu kWh/năm, doanh thu khoảng 300 tỷ đồng, nộp ngân sách địa phương 30 tỷ đồng/năm.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình (thứ 3 từ trái sang) và các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm Nhà máy điện mặt trời Sêrêpốk 1.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình (thứ 3 từ trái sang) và các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm Nhà máy điện mặt trời Sêrêpốk 1.
 
“Phát triển năng lượng tái tạo là xu hướng củathế giới, trong khi Đắk Lắk rất có tiềm năng về lĩnh vực này, nên tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển các dự án ĐMT. Chính quyền địa phương phải tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân và bảo đảm an ninh năng lượng Quốc gia”.
 
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình

Huyện biên giới Ea Súp là địa bàn trọng điểm trong kế hoạch phát triển ĐMT của tỉnh, dự án đầu tiên ở huyện đã đi vào hoạt động là nhà máy ĐMT Long Thành (giai đoạn 1) của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Long Thành, công suất 50 MWp, tổng vốn đầu tư gần 1.300 tỷ đồng. Nhà máy được đấu nối vào trạm điện 35kV Ea Súp do Công ty Điện lực Đắk Lắk quản lý, cung cấp sản lượng điện gần 20 triệu kWh/năm. Giai đoạn 2 và 3 của dự án dự kiến lắp đặt với công suất khoảng 120 MW, trên diện tích khoảng 200 ha đất, với tổng kinh phí khoảng 200 triệu USD sẽ triển khai trong thời gian tới.

Dự án điện gió đầu tiên trên địa bàn tỉnh cũng như khu vực Tây Nguyên đã vận hành phát điện thương mại là Trang trại phong điện Tây Nguyên tại xã Đliê Yang, huyện Ea H’leo, công suất 28,8 MW, tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng. Nhà máy có 12 tuabin theo công nghệ, thiết bị châu Âu, hòa vào lưới điện Quốc gia theo đường dây 110 kV Ea H’leo - Krông Búk, tổng sản lượng 109 triệu kWh/năm.

Dự án điện mặt trời Buôn Ma Thuột được xây dựng tại hạ du Hồ thủy lợi Krông Búk Hạ, huyện Krông Pắc.
Dự án điện mặt trời Buôn Ma Thuột được xây dựng tại hạ du Hồ thủy lợi Krông Búk Hạ, huyện Krông Pắc.

Theo Quy hoạch phát triển ĐMT đến năm 2020, có xét đến năm 2030, với tiềm năng công suất hơn 16.000 MWp, trong đó, giai đoạn 2020 - 2025 đạt công suất 5.489 MWp, giai đoạn 2025 - 2030 phát triển thêm 10.593 MWp. Toàn tỉnh có 27 dự án ĐMT đã được UBND tỉnh đồng ý khảo sát lập dự án đầu tư, tổng công suất 5.400 MWp. Hiện, 5 nhà máy đã hoàn thành đi vào vận hành phát điện thương mại, tổng công suất 190 MWp, sản lượng điện hằng năm 280 triệu KWh; một dự án đang xây dựng, công suất 720 MWp, sản lượng 880 triệu KWh/năm. Các dự án khác đang chờ phê duyệt bổ sung vào quy hoạch để triển khai. Về định hướng, các nhà máy ĐMT sẽ được xây dựng tại khu vực có bức xạ lớn, đất cằn cỗi, trên hồ thủy lợi, thủy điện.

Về điện gió, Quy hoạch phát triển điện gió đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Bộ Công Thương phê duyệt với 7 khu vực có tiềm năng thuộc các huyện: Cư M’gar, Ea H’leo, Krông Búk, Krông Năng và thị xã Buôn Hồ. Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 24 dự án điện gió đã được đồng  ý chủ trương nghiên cứu, khảo sát đo gió để lập dự án đầu tư, tổng công suất 4.500 MW.

Dự án Trang trại phong điện Tây Nguyên tại xã Đliê Yang, huyện Ea H’leo.
Dự án Trang trại phong điện Tây Nguyên tại xã Đliê Yang, huyện Ea H’leo.

Theo Giám đốc Sở Công Thương Phạm Thái, NLTT được tỉnh xác định là một trong những lĩnh vực ưu tiên kêu gọi thu hút đầu tư. Thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế mong muốn đến Đắk Lắk tìm hiểu phát triển các dự án NLTT. UBND tỉnh hoan nghênh các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến địa phương xây dựng các nhà máy năng lượng sạch; đồng thời, yêu cầu các sở, ngành phối hợp để tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình tìm hiểu, khảo sát và lập dự án, trong đó, cần lưu ý thông tin về quy hoạch điện gió, ĐMT, những vị trí tiềm năng và các thủ tục pháp lý liên quan. “Việc thu hút đầu tư phát triển các dự án NLTT sẽ tăng trưởng công nghiệp năng lượng theo hướng thân thiện với môi trường, góp phần phát triển kinh tế bền vững, đồng thời, kéo theo phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, tạo việc làm cho người lao động địa phương”, ông Thái khẳng định.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.