Multimedia Đọc Báo in

Khởi nghiệp từ nghề trồng nấm

09:04, 24/11/2019

Hai chàng trai Đinh Trọng Nghĩa và Trần Minh Hòa (cùng trú tại xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin) đã quyết định từ bỏ công việc ổn định có mức lương khá để hiện thực hóa giấc mơ khởi nghiệp từ nghề trồng nấm.

Sau khi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật điện, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk, anh Đinh Trọng Nghĩa đã nhanh chóng kiếm được cho mình một công việc tại TP. Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên cuối năm 2013, anh phải nghỉ làm về phụ giúp công việc nương rẫy cho bố mẹ vì nhà neo người. Vốn thích ăn nấm, lại thấy nghề trồng nấm tuy đòi hỏi sự tỉ mỉ nhưng không tốn quá nhiều sức lao động, nên trong thời gian ở nhà anh Nghĩa luôn ấp ủ dự định tự tạo ra một trại nấm cho riêng mình. Anh đem ý nghĩ đó bày tỏ với người bạn thân của mình là Trần Minh Hòa và đã nhận được ủng hộ, đồng ý hùn vốn làm chung.

Hai anh Nghĩa và Hòa trao đổi kinh nghiệm trồng nấm.
Hai anh Nghĩa và Hòa trao đổi kinh nghiệm trồng nấm.

Sau một thời gian tham quan thực tế tại một số mô hình trồng nấm, tìm hiểu trong sách vở và Internet, đầu năm 2018 anh Nghĩa bắt tay vào trồng nấm, chọn trồng nấm mối đen vì đây là loại nấm đang được người tiêu dùng ưa chuộng và mang lại giá trị kinh tế cao. Anh đã tự mày mò và tập làm phôi nấm để tiết kiệm chi phí cũng như chủ động được nguồn giống, giúp cho việc trồng nấm được thuận lợi. Mới đầu do chưa có kinh nghiệm làm cũng như cách bảo quản nên phôi nấm thường bị mốc, sâu bọ cắn dẫn đến hư hỏng. Phải mất gần một năm tự học hỏi và tiếp thu kinh nghiệm, anh mới làm chủ được kỹ thuật và sản xuất phôi nấm thành công với số lượng lớn. Đầu năm 2019, anh Trần Minh Hòa đã quyết định nghỉ việc tại TP. Hồ Chí Minh để về quê làm nấm cùng với Nghĩa. Tháng 4-2019, hai anh đầu tư 180 triệu đồng để xây dựng khu trại nấm rộng 220 m2 và mua sắm trang thiết bị làm nấm.

Mới đầu, hai anh trồng 6.000 bịch nấm bào ngư để có nguồn vốn xoay vòng. Sau 50 ngày trồng và chăm sóc, mẻ nấm đầu tiên đã cho thu hoạch, đạt sản lượng 1,3 tấn, với giá bán từ 30-35.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí cho thu lãi 30 triệu đồng. Số tiền lãi được hai anh đầu tư trồng 2.000 bịch nấm mối đen, đến nay sắp cho thu hoạch.

Anh Nghĩa cho biết: “Mỗi loại nấm đều có kỹ thuật trồng và chăm sóc khác nhau. Đối với nấm mối đen, nguyên liệu chính dùng để làm phôi là mùn cây cao su phối trộn với cùi bắp, cám ngô và cám gạo; bịch nấm không treo hay để nằm ngang được mà phải dựng đứng, thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch là 90 ngày và nấm sẽ ra ở đầu bịch. Giá trị của loại nấm này cao hơn rất nhiều so với các loại nấm khác, với giá bán khoảng 200 nghìn đồng/kg.”

Các loại nấm và phôi giống từ trại nấm của hai anh Nghĩa và Hòa đã được Huyện Đoàn Cư Kuin lựa chọn là sản phẩm khởi nghiệp tiêu biểu của thanh niên để trưng bày tại “Ngày hội khởi nghiệp tỉnh Đắk Lắk lần thứ I năm 2019”.

Bên cạnh trồng nấm mối đen, hai anh còn tận dụng một số loại phụ phẩm nông nghiệp như rơm, thân cây bắp, cây sắn, mùn cưa… có tại địa phương và các huyện Lắk, Krông Bông để làm phôi phục vụ trồng nấm chân dài, nấm rơm. Tuổi trẻ xông xáo, năng động, hai anh chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, ngoài việc đưa sản phẩm nấm của mình giới thiệu tại các hội chợ, trưng bày gian hàng khởi nghiệp trong tỉnh còn tích cực liên hệ trực tiếp với các đơn vị, doanh nghiệp phân phối sản phẩm nông nghiệp để giảm được khâu bán hàng qua trung gian, góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm. Đến nay, hai anh đã có được những bạn hàng lớn cam kết và mong muốn hợp tác làm ăn lâu dài tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Định… Hiện, ngoài bán nấm thương phẩm, họ còn tự sản xuất phôi giống để bán cho các hộ trồng nấm khác, lợi nhuận thu được từ trại nấm dùng để tái đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất.

Anh Nghĩa  (bên phải)  giới thiệu  sản phẩm nấm tại “Ngày hội khởi nghiệp  tỉnh Đắk Lắk  lần thứ I  năm 2019”.
Anh Nghĩa (bên phải) giới thiệu sản phẩm nấm tại “Ngày hội khởi nghiệp tỉnh Đắk Lắk lần thứ I năm 2019”.

Anh Nghĩa bày tỏ dự định, trong thời gian tới, cùng với việc sản xuất phôi giống và nấm thương phẩm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng thì sẽ vận động người dân, thanh niên trong vùng trồng nấm để tạo thành chuỗi liên kết từ khâu cung cấp giống đến hỗ trợ kỹ thuật, đầu ra của sản phẩm; góp phần tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Hiện hai anh đang tập trung sản xuất 14.000 bịch phôi giống để cung cấp cho 2 hộ dân đang muốn phát triển kinh tề từ trồng nấm tại địa phương.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.