Multimedia Đọc Báo in

Trả lại hữu cơ cho đất

10:14, 30/10/2019

"Trả lại hữu cơ cho đất” là ý kiến đáng chú ý của Giáo sư Nguyễn Thơ, giảng viên Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh được nhiều đại biểu quan tâm tại Hội nghị Phổ biến cơ chế chính sách về nông nghiệp hữu cơ Việt Nam và định hướng phát triển tại các tỉnh Tây Nguyên vừa qua.

Trong nhiều năm qua và đến tận bây giờ, sản xuất nông nghiệp ở nước ta thâm canh dựa trên cơ sở “hóa học” là chính. Phương thức sản xuất đó dần dẫn đến lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và gây ra hệ lụy nặng nề: Đất đai bị thoái hóa nghiêm trọng, kém đa dạng sinh học, nhất là trong đất; cây trồng ngày càng nhiều sâu bệnh, việc quản lý dịch hại kém hiệu quả; chất lượng nông sản thấp, không an toàn. Có thể nói, việc lạm dụng hóa học đã làm cho sản xuất nông nghiệp nước ta kém bền vững, hiệu quả kinh tế thấp. Vì vậy, nông nghiệp hữu cơ chính là hướng sản xuất an toàn và bền vững.

Giáo sư Nguyễn Thơ cho rằng: “Nông nghiệp hữu cơ ngày nay không phải là quay lại phương thức canh tác đơn giản, thô sơ xa xưa. Tất nhiên, trong canh tác hữu cơ chúng ta thừa kế những quan điểm hữu cơ truyền thống, gần gũi với tự nhiên. Nhưng những biện pháp hữu cơ sinh học nay đã được nâng lên thành công nghệ hiện đại. Sự phối hợp giữa biện pháp truyền thống với công nghệ chế biến hữu cơ, công nghệ vi sinh probiotic, kết hợp với hệ thống canh tác theo GAP là khoa học hiện đại nhằm phục vụ cho sản xuất an toàn và bền vững, đó thực sự là công nghệ cao trong nông nghiệp”.

Vườn bưởi canh tác theo hướng hữu cơ của hộ anh Phạm Văn Trọng  (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột).
Vườn bưởi canh tác theo hướng hữu cơ của hộ anh Phạm Văn Trọng (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột).

Tuy nhiên, hiện nay việc ban hành các văn bản nông nghiệp hữu cơ còn chậm, chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 109/2018/NĐ-CP của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ. Bước đầu chuyển đổi từ vấn đề “thâm canh dựa trên cơ sở hóa học” sang "thâm canh theo hướng hữu cơ” chắc chắn không tránh khỏi khó khăn, đặc biệt là phải thay đổi tập quán canh tác của nông dân. Hiện tại, nhiều nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ do sức hấp dẫn về thu nhập chưa được chứng minh; thị trường tiêu thụ không được cam kết; quy trình sản xuất yêu cầu khắt khe, cần thời gian dài để cải tạo đất, tạo nguồn nước tưới đáp ứng yêu cầu về chất lượng, chi phí sản xuất cao mà năng suất nói chung là thấp…

Theo Giáo sư Nguyễn Thơ, để phát triển nông nghiệp hữu cơ, cách khắc phục hiện nay không có con đường nào khác là phải thay đổi tập quán của người sản xuất, không lạm dụng hóa học, canh tác tập trung theo hướng hữu cơ và sinh học. Trong đó, “trả hữu cơ lại cho đất” là biện pháp cơ bản đầu tiên cần thực hiện trong xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, đồng thời không làm bất cứ điều gì có hại cho đất dù cho đó là biện pháp có lợi trước mắt.

Đất là cơ thể sống, cuộc sống trong đất chủ yếu phụ thuộc vào hoạt động của quần thể vi sinh vật. Sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng phụ thuộc hoàn toàn vào các vi sinh vật trong đất. Việc trả lại hữu cơ cho đất đồng nghĩa với việc tạo điều kiện tốt nhất cho cây trồng sinh trưởng và phát triển. Một số kinh nghiệm để trả hữu cơ lại cho đất là: Không đốt đồng; làm đất tối thiểu để hạn chế rửa trôi, bảo vệ độ phì của đất; không lạm dụng hóa học để cho đất không bị ngộ độc và thoái hóa; phủ bổi, trồng cây phủ đất trong vườn cây để tiết kiệm chi phí, chống ô nhiễm môi trường, chống rửa trôi đất và là biện pháp trả hữu cơ lại cho đất hữu hiệu.

Bên cạnh đó, cần canh tác bón phân hữu cơ là chính để trả lại hữu cơ trực tiếp cho đất, tạo hệ vi sinh vật có ích cho cây trồng; dùng các lợi khuẩn (probiotic)vi sinh vật đối kháng trong canh tác và quản lý dịch hại để nhân nuôi và bảo vệ cây trồng. Đây là những biện pháp tuy đơn giản nhưng là cơ bản và có hiệu quả trong quy trình phát triển nông nghiệp hữu cơ cần thực hiện. Nếu thực hiện được thì mới tạo được những sản phẩm hữu cơ chất lượng, đáp ứng nhiều yêu cầu liên quan khác.

Thiết nghĩ, để thực hiện được biện pháp cơ bản bước đầu “trả lại hữu cơ cho đất”, dần đi đến phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ bền vững, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến người dân chủ trương của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ như Nghị định 83/2018/NĐ-CP về khuyến nông; Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ và văn bản có liên quan. Đồng thời, chú trọng tập huấn nâng cao năng lực, hiểu biết cho nông dân, hợp tác xã, trang trại và cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, khuyến nông của tỉnh để làm nền tảng phát triển nông nghiệp hữu cơ lâu dài, bền vững; nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng về việc tuân thủ quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, hỗ trợ đầu tư xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ hiệu quả tại các đơn vị có điều kiện phù hợp để làm cơ sở nhân ra diện rộng trên địa bàn.

Năm 2017 Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố bộ TCVN về nông nghiệp hữu cơ và Việt Nam đã có tên trong danh sách 178 quốc gia sản xuất hữu cơ. Một số sản phẩm hữu cơ Việt Nam đã có thương hiệu và đã có mặt ở nhiều thị trường cao cấp như: Mỹ, Nhật, Australia, Hàn Quốc.

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.