Multimedia Đọc Báo in

Nông dân M'Đrắk điêu đứng vì sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô

08:56, 18/09/2019

Mặc dù chỉ mới xuất hiện nhưng sâu keo mùa thu đã lây lan khá nhanh trên địa bàn huyện M’Đrắk. Với đặc tính cắn phá cây trồng rất khỏe, lại phát triển nhanh, loại sâu này khiến nông dân huyện M’Đrắk thiệt hại nặng nề.

Gia đình anh Phạm Văn Bình (thôn 10, xã Ea Pil) có 3,5 ha ngô. Từ tháng 7-2019, anh xuống giống 30 kg ngô giống gieo trồng vụ hè thu, cùng với đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công cày đất... trên 7 triệu đồng. Tuy nhiên, khi cây ngô vừa lên xanh, cao khoảng 30 cm thì bắt đầu bị sâu keo phá hoại, cắn nát phần ngọn, thân đổ gục. Chỉ trong vòng một tuần, toàn bộ diện tích ngô đã bị sâu ăn mất trắng, gia đình anh Bình phải phá bỏ, cày lại đất, xử lý mầm bệnh và xuống giống đợt 2. Thế nhưng, cây trồng vẫn tiếp tục bị sâu phá hoại, gia đình anh sử dụng nhiều loại thuốc vẫn không thể cứu vãn được. Đến đầu tháng 9, anh Bình tiếp tục xuống giống đợt 3 (vụ thu đông), nhưng tình trạng bị sâu keo tàn phá vẫn diễn ra, đến ngày 14-9 vừa qua, gia đình buộc phải phá bỏ để trồng cây khác. Thiệt hại sau 3 đợt xuống giống trên 20 triệu đồng.

Cán bộ khuyến nông kiểm tra tình hình bệnh sâu keo mùa thu tại một ruộng ngô ở xã Cư Prao.
Cán bộ khuyến nông kiểm tra tình hình bệnh sâu keo mùa thu tại một ruộng ngô ở xã Cư Prao.

Cũng điêu đứng vì sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô, gia đình chị Phạm Thị Chín (thôn 1 xã Ea Pil) đã sử dụng nhiều biện pháp như: phun xịt các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuê người bắt sâu trên từng cây nhằm bảo vệ diện tích ngô đã lên cao nhưng không hiệu quả. Gia đình chị Chín có 3 ha đất trồng ngô nhưng đến nay đã đầu tư hàng chục triệu đồng vẫn không có thu hoạch vì bị sâu keo mùa thu tàn phá, rẫy ngô mọc lưa thưa, thân xơ xác và èo uột không có khả năng trổ cờ, cho trái. Chị Chín than thở: “Gia đình tôi đã thử đủ loại thuốc, nhưng loại sâu này phá hoại với tốc độ rất nhanh, chỉ vài ngày là rẫy ngô đã tan nát gần hết”.

Ông Trần Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Pil cho biết: Xã Ea Pil hiện có 855 ha ngô, là địa phương có diện tích ngô lớn nhất huyện. Tính đến ngày 15-9, sâu keo mùa thu gây hại trên diện rộng với trên 400 ha ngô nhiễm bệnh; mật độ phổ biến 1 - 20 con/m2, xuất hiện tại hầu hết diện tích trồng ngô trên toàn xã, chưa kể đến diện tích người dân phải xuống giống nhiều lần. Diện tích ngô vụ thu đông mới lên non xanh cũng đã lây nhiễm sâu keo mùa thu, nhiều ruộng ngô chỉ mới lên cao khoảng gang tay đã bị sâu cắn cụt ngọn, trụi gốc.

Nhiều diện tích ngô tại xã Ea Pil buộc phải phá bỏ vì bị sâu keo mùa thu phá hoại.
Nhiều diện tích ngô tại xã Ea Pil buộc phải phá bỏ vì bị sâu keo mùa thu phá hoại.

Theo thống kê, trong vụ hè thu và vụ thu đông, huyện M'Đrắk đã xuống giống trên 6.600 ha ngô. Đến nay toàn huyện đã có trên 100 ha ngô nhiễm sâu keo mùa thu ở hầu hết các xã và thị trấn, trong đó thiệt hại nặng nề nhất là tại các xã Ea Riêng, Ea Pil, Ea Trang, Cư Prao... Thực tế ghi nhận tại các ruộng ngô được kiểm tra cho thấy, sâu keo mùa thu gây thiệt hại khá nặng trên 60%, có nơi lên đến 80 - 90% buộc người dân phải phá bỏ và trồng lại đợt mới, hoặc chuyển sang cây trồng khác.

Đối với diện tích bị ảnh hưởng nhẹ, mặc dù được người dân xử lý phun thuốc, cây ngô đã dần hồi phục và đang trổ cờ, phun râu nhưng vẫn thấy triệu chứng của sâu keo mùa thu đang tấn công đục vào cờ ngô khiến một số cây ngô không trổ, thoát cờ được. Đối với diện tích thiệt hại nặng, địa phương đã hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để diệt trừ hoặc nhổ bỏ, đốt, vùi diện tích ngô bị sâu gây hại nặng để tiêu hủy nguồn bệnh nhưng loài sâu hại mới này vẫn lây lan nhanh khi gặp điều kiện thuận lợi.

Hiện nay, thời tiết trên địa bàn huyện M'Đrắk có nắng nóng xen mưa rải rác là điều kiện thuận lợi để sâu keo mùa thu phát sinh, phát triển có thể gây hại mạnh từ khi cây ngô mới gieo cho đến lúc mọc 7 - 8 lá. Diện tích, mức độ thiệt hại tiếp tục gia tăng, không chỉ trên vụ hè thu mà còn có thể lây lan sang vụ thu đông và những vụ mùa tiếp theo. Đáng lo ngại hơn, không chỉ gây hại trên cây ngô, sâu keo mùa thu còn nguy hiểm với nhiều loại cây trồng khác nên cần được quan tâm đặc biệt về công tác phòng trừ.

Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện M’Đrắk đang tiếp tục điều tra, thống kê, cập nhật số liệu và theo dõi diễn biến của sâu keo mùa thu; khoanh vùng, nắm chắc diễn biến, diện tích ngô bị nhiễm; hướng dẫn nông dân chủ động phòng trừ, thay thế các giống ngô dễ nhiễm bệnh bằng các giống kháng sâu bệnh tốt hơn...

Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.