Multimedia Đọc Báo in

Để Buôn Ma Thuột không còn cảnh ngập nước

10:14, 24/09/2019

Mấy năm nay, TP. Buôn Ma Thuột thường xuyên đối mặt với tình cảnh cứ mưa to là nhiều tuyến đường bị ngập theo chiều hướng ngày càng trầm trọng, gây ách tắc giao thông và ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Điều này đòi hỏi phải có giải pháp triệt để về lâu dài cho bài toán thoát nước mưa trên địa bàn thành phố.

Hệ thống thoát nước chưa đáp ứng nhu cầu thực tế

Từ đầu mùa mưa đến nay, rất nhiều lần các tuyến phố trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột bị ngập nặng sau mỗi trận mưa to. Tình trạng này ngày càng xuất hiện thường xuyên hơn so với những năm trước đây. Lưu lượng mưa lớn, kéo dài đã khiến một số khu vực ngập sâu cả mét, có những cụm dân cư bị cô lập, nhiều ngôi nhà bị ngập, phương tiện giao thông bị nước cuốn trôi...

Ông Võ Quang Trung, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án thoát nước TP. Buôn Ma Thuột cho biết, năm 2006, Dự án thoát nước và vệ sinh môi trường thành phố giai đoạn 1 (tổng mức đầu tư gần 350 tỷ đồng) được đưa vào sử dụng. Trong đó, hệ thống thoát nước mưa có quy mô 7 cửa xả và hơn 18 km đường ống đường kính 0,3 – 2 m. Vùng phục vụ thoát nước mưa của dự án này là 131 ha, tại phường Thống Nhất, một phần phường Tân Lợi, Thành Công, Thành Nhất và Tân Tiến.

Giai đoạn 2 của dự án (tổng mức đầu tư hơn 504 tỷ đồng) khởi công từ năm 2015 cũng đã hoàn thành xây dựng, trong đó hệ thống thoát nước mưa phục vụ trên phạm vi 250 ha, gồm 12,3 km đường ống có đường kính 0,3 – 1 m. Tuy nhiên, giai đoạn này chủ yếu cải tạo hệ thống, bổ sung, thay thế lưới thu nước tại một số tuyến đường như: Quang Trung, Lê Quý Đôn, Nguyễn Hữu Thọ, Phan Chu Trinh, Trần Nhật Duật… Như vậy, hệ thống thoát nước mưa của TP. Buôn Ma Thuột hiện chỉ phục vụ thoát nước được khoảng 380 ha tại khu vực trung tâm thành phố và 2 giai đoạn trên của dự án chỉ đáp ứng thoát nước mưa trong vùng này.

Cảnh ngập lụt ở đường Trần Nguyên Cẩn.
Cảnh ngập lụt ở đường Trần Nguyên Cẩn.

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố được đầu tư, nhưng chưa thể đáp ứng được nhu cầu thoát nước rất lớn trên địa bàn. Bên cạnh đó, hệ thống chưa hoàn thiện, đồng bộ từ hạ lưu (cửa xả, cống chuyển dòng) đến thượng lưu (các tuyến cống, giếng thu) cho từng khu vực; một số đoạn mương bị quá tải, xuống cấp, giếng thu bị tắc nghẽn. Tại đường Nguyễn Tất Thành, tuyến mương xây đá hộc có kích thước 0,8 x 1 m nhưng ít cửa xả cắt ngang và nước từ nhiều tuyến đường đổ về dẫn đến quá tải. Trong khi đó, đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Huy Tập lại cao hơn khu dân cư hoặc chưa có cống chuyển dòng, chuyển hướng. Bên cạnh đó, một số khu vực chưa được đầu tư hệ thống thoát nước mưa hoặc đầu tư nhưng chưa được kết nối với mạng lưới thoát nước mưa của thành phố…

Giải pháp bền vững cho bài toán thoát nước

Phải thừa nhận rằng những năm gần đây, thời tiết diễn biến thất thường, một số thời điểm lượng mưa quá lớn, gây áp lực nặng nề cho vấn đề thoát nước. Tuy nhiên, trên góc độ chuyên môn, tình trạng ngập do quá trình phát triển không thực hiện tốt các quy hoạch kiến trúc xây dựng, quy hoạch trước đây chưa dự báo hết khả năng phát triển của địa phương để đưa ra phương án giải quyết một cách lâu dài. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ xây dựng ngày càng tăng cũng khiến khả năng thẩm thấu nước mưa vào lòng đất giảm đi. Ngoài ra, một số dự án, khu dân cư mới hình thành chưa có hạ tầng thoát nước hoặc đã có nhưng cách xa đường ống nên chi phí đầu tư lớn.

Đường Nguyễn Du biến thành
Đường Nguyễn Du biến thành "sông" sau trận mưa lớn đầu tháng 8-2019.

Để giảm tình trạng quá tải cho hệ thống, thoát nước hiệu quả và hạn chế tình trạng ngập tại thành phố, giải pháp trước mắt là bổ sung các cửa xả, cống chuyển dòng, hạn chế lượng nước mưa đổ dồn về khu vực trung tâm. Tuy nhiên, giải pháp cốt lõi, bền vững nằm ở công tác thiết kế đô thị, trên cơ sở khai thác hiệu quả lợi thế tự nhiên của địa phương.

Theo kiến trúc sư Diêu Quang Hùng (Hội Kiến trúc sư tỉnh), TP. Buôn Ma Thuột có địa hình dốc vừa, đều nên nước mưa thoát nhanh, nhưng không chảy quá mạnh về vùng thấp. Việc thoát nước phải tập trung theo 3 hướng chính gắn với lưu vực suối Đốc Học (phường Tân Tiến), Ea Tam, Ea Nuôl – Ea Nay (từ buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi chạy ra cánh đồng giáp ranh phường Thành Nhất và xã Cư Êbur). Các con suối này chạy giữa thành phố, là ưu thế lớn cho việc thoát nước mưa, trong đó suối Ea Tam, thượng nguồn phía Đông Bắc thành phố, hạ nguồn đổ về sông Sêrêpốk là lưu vực quan trọng nhất. Tuy nhiên, nhiều đoạn trên những dòng suối này bị vứt rác thải, đổ xà bần, xây dựng công trình lấn chiếm dẫn đến bồi lấp, thu hẹp dòng chảy nên nước mưa thoát không kịp. Do đó, các dòng suối cần được “cởi trói” để nước mưa dễ dàng thoát một cách tự nhiên về các lưu vực.

Giải pháp căn cơ cho việc thoát nước trên địa bàn thành phố được đưa ra tại Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2025 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Vấn đề được nêu cụ thể là phấn đấu hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật thoát nước, cùng với đó, mở rộng, khơi thông lại dòng chảy các con suối, tổ chức các tuyến đường đi dạo và hệ thống cây xanh dọc tuyến; đồng thời, cải tạo các hồ hiện có và phát triển các hồ mới nhằm trữ nước, điều hòa và tạo cảnh quan. Để làm được điều này, bên cạnh vai trò của chính quyền và các cơ quan chức năng, người dân cũng cần chung tay hành động vì một đô thị xanh - sạch - đẹp thông qua việc không vứt rác thải bừa bãi gây tắc nghẽn lưới, mương thoát nước, tuân thủ quy định về hành lang bảo vệ suối và không bức tử các dòng suối – tài sản vô giá của thành phố.

Ngày 29-8-2019, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2457/QĐ-UBND về việc cho phép UBND TP. Buôn Ma Thuột chuẩn bị đầu tư và dự toán chuẩn bị đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước mưa đường Nguyễn Tất Thành. Theo đó, thành phố lập, thẩm định báo cáo đề xuất đầu tư; khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế sơ bộ và thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Dự án sẽ được đầu tư, thực hiện trong giai đoạn 2020 – 2022.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.