Multimedia Đọc Báo in

Sức sống mới ở vùng biên giới (Kỳ 1)

09:11, 19/07/2019

Tọa lạc giữa cánh rừng nghèo, lại là địa bàn xa xôi nhất của xã Ia Lốp (huyện Ea Súp), cư dân của Làng Thanh niên lập nghiệp trước kia (nay là thôn Thanh niên lập nghiệp) đã cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, bám đất, bám làng, ổn định cuộc sống, góp phần giữ vững an ninh biên cương.

Kỳ 1: Tự tin khởi nghiệp trên quê hương mới

Sau 10 năm lập làng, cuộc sống của những gia đình thanh niên giàu nghị lực tại Làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) Ia Lốp đã có sự đổi thay rõ rệt. Nhờ nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường, tận dụng tốt lợi thế và sự quan tâm của các tổ chức chính trị - xã hội, nhiều thanh niên đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất quy mô lớn, vươn lên làm giàu.

Từ thâm canh trên đất cằn...

Theo quy hoạch của Dự án Làng TNLN Ia Lốp (giai đoạn 2006 – 2009), khu vực đất sản xuất nông nghiệp tại làng có tổng diện tích 461 ha. Địa hình khu vực sản xuất tương đối bằng phẳng, ít bị chia cắt, rất thuận lợi để hình thành những vùng chuyên canh quy mô lớn. Tuy nhiên, đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây khá bất lợi với mùa khô kéo dài, đất đai nghèo dinh dưỡng, khả năng giữ nước và thoát nước đều kém. Chính bởi điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nên trước kia, bà con trong làng chỉ trồng các loại hoa màu như lúa cạn, ngô, sắn, đậu... hiệu quả kinh tế thấp, việc mưu sinh gặp nhiều khó khăn.

Mô hình trồng lúa cạn do Sở NN-PTNT và Tỉnh Đoàn thực hiện tại Làng Thanh niên lập nghiệp.   Ảnh: Tỉnh Đoàn cung cấp
Mô hình trồng lúa cạn do Sở NN-PTNT và Tỉnh Đoàn thực hiện tại Làng Thanh niên lập nghiệp. Ảnh: Tỉnh Đoàn cung cấp

Những năm gần đây, nhờ được tiếp cận với các mô hình liên kết sản xuất, được tập huấn kiến thức, kỹ thuật, bà con trong làng đã mạnh dạn đầu tư thâm canh, cải tạo đất và chuyển đổi dần sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Trong đó, điểm sáng của việc đầu tư thâm canh, liên kết sản xuất chính là vùng nguyên liệu mía đường diện tích 200 ha do Tỉnh Đoàn Đắk Lắk cùng Công ty Cổ phần Mía đường Đắk Lắk thực hiện.

Năm 2017, công ty liên kết với 45 hộ dân tại làng dưới hình thức công ty đầu tư giống, vật tư và thu mua toàn bộ mía do bà con canh tác; người dân chủ động trồng, chăm sóc và thu hoạch theo hướng dẫn từ công ty. Nhờ cây mía, thu nhập của người dân trong làng dần được cải thiện, mỗi héc-ta mía mang lại lợi nhuận bình quân lên đến 20 triệu đồng/năm. Tiêu biểu trong mô hình liên kết này là anh Nguyễn Văn Diện. Năm đầu liên kết, anh trồng 8 ha mía, thu lãi 200 triệu đồng. Sang năm thứ hai, anh thuê thêm đất, phát triển diện tích lên 20 ha, thu lãi 400 triệu đồng.

Ngoài cây mía, nhiều gia đình thanh niên tại làng đang đầu tư trồng cây ăn trái và cây điều. Anh Phạm Văn Khương hiện đang sở hữu 2 ha xoài cát Hòa Lộc. Anh cho biết, trước khi quyết định đầu tư cây xoài, anh đã tìm hiểu kỹ về hiệu quả kinh tế và cách chăm sóc loại cây này từ các vùng lân cận. Anh xuống giống 850 cây xoài từ năm 2017, trồng xen canh với các loại hoa màu để “lấy ngắn nuôi dài”. Ngoài ra, anh cũng đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt trên toàn bộ diện tích, vừa chủ động việc tưới tiêu vừa thích ứng với khí hậu khô hạn tại đây. Sau 3 năm chăm sóc, cây xoài đang sinh trưởng và phát triển tốt, chuẩn bị cho trái bói.

Đến làm giàu nhờ chăn nuôi đại gia súc

Không chỉ phát triển trồng trọt, nhiều hộ dân của Làng TNLN đang thu lợi hàng trăm triệu đồng từ chăn nuôi bò. Anh Nguyễn Văn Quý, một trong những người tiên phong phát triển mô hình nuôi bò vỗ béo tại làng chia sẻ, cuối năm 2017, khi giá bò giảm sâu, anh dồn vốn mua 50 con bò gầy, dựng chuồng chăn nuôi. Thời gian đầu, vợ chồng anh phải vào rừng cắt cỏ, pha thêm nước cám cho bò uống để bổ sung chất dinh dưỡng. Đến khi bò quen chuồng, anh hầu như không tốn công chăn thả, để bò tự đi ăn cỏ và các loại lá cây tự nhiên trong vạt rừng gần nhà. Nhờ nguồn thức ăn dồi dào, đa dạng, bò phát triển tốt, sức đề kháng cao, chất lượng thịt thơm ngon. Cuối năm 2018, anh bán toàn bộ đàn bò, thu lãi gần 200 triệu đồng. Ngoài thu lợi từ bán bò thịt, anh còn có thêm nguồn thu đáng kể từ phân bò với giá bán từ 700 nghìn đến 800 nghìn đồng/m3.

Vườn mía khai thác năm thứ ba của anh Nguyễn Văn Diện.
Vườn mía khai thác năm thứ ba của anh Nguyễn Văn Diện.

Tương tự, gia đình anh Trần Văn Dũng cũng đang duy trì gần 30 con bò sinh sản và vỗ béo. Ngoài chăn thả tự nhiên, anh còn trồng thêm 5 sào cỏ voi để bổ sung thêm nguồn thức ăn. Với giá cả như thời điểm hiện tại, một con bò có thể cho thu lãi 7 - 8 triệu đồng sau 10 - 12 tháng chăm sóc. Riêng phân bò, anh hầu như không bán mà sử dụng vào việc cải tạo đất để trồng xoài. Nhiều hộ khác trong làng cũng đang nhân rộng đàn bò, khai thác hiệu quả lợi thế về điều kiện tự nhiên để phát triển chăn nuôi đại gia súc.

Thôn TNLN hiện có 163 hộ với hơn 600 nhân khẩu. Từ những mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi ban đầu, đến nay bà con phát triển các loại cây dài ngày và cây ăn trái như điều, xoài, mít, ổi... trên tổng diện tích 80 ha. Ngoài ra, chăn nuôi trâu, bò cũng dần phát triển với tổng đàn lên đến hơn 500 con, mang lại nguồn thu nhập khá cao cho người dân. Ông Lý Văn Sài, Trưởng thôn TNLN cho hay, không chỉ cần cù, chịu khó, bà con trong thôn ngày càng mạnh dạn, chủ động hơn trong việc tìm hiểu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, đầu tư vốn để phát triển sản xuất. Điều này tạo nên bước chuyển mình rõ rệt về mọi mặt đời sống, giảm dần tỷ lệ hộ nghèo tại một địa bàn còn nhiều khó khăn ở vùng biên giới.

Hệ thống kênh chính Đông công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Mơr do Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư đang được triển khai trên địa bàn huyện Ea Súp, dự kiến hoàn thành vào năm 2021. Tuyến kênh chính có tổng chiều dài 35 km, trong đó đoạn đi qua thôn TNLN có chiều dài 0,8 km, đảm bảo điều kiện tưới tiêu cho khoảng 500 ha đất nông nghiệp tại thôn. Đây là yếu tố quan trọng để người dân yên tâm mở rộng diện tích thâm canh, đầu tư phát triển sản xuất.

 

Đinh Nga

Kỳ 2: Ổn định an ninh, giữ rừng biên giới

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.