Multimedia Đọc Báo in

Giải quyết vướng mắc giữa doanh nghiệp với người lao động tại Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi: Cần sự dung hòa lợi ích giữa các bên

09:32, 11/07/2019

Mới đây, huyện Krông Pắc đã tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi (Công ty) với đại diện công nhân và người nhận khoán. Mặc dù hội nghị đã được tổ chức công phu, với đầy đủ những thành phần cần thiết, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà, nhưng dường như những vướng mắc vẫn chưa thể giải quyết được.

Qua hội nghị đối thoại có thể thấy, những vấn đề nổi cộm mà công nhân và người nhận khoán tại Công ty đang mong muốn doanh nghiệp, địa phương sớm giải quyết là: cách tính khấu hao vườn cây chưa hợp lý; phương án khoán gọn vườn cây cho hộ nông trường viên còn nhiều bất cập; quyền lợi người lao động trên phần đất liên kết sản xuất chưa bảo đảm; những vấn đề liên quan đến bảo hiểm xã hội của công nhân và người nhận khoán chưa được thực hiện đúng quy định của pháp luật; việc thực hiện quy chế dân chủ ở doanh nghiệp Nhà nước chưa bảo đảm; quyền lợi của công nhân và người nhận khoán đối với tài sản trên đất (cây muồng đen, giếng tưới…) chưa được giải quyết thấu đáo...

Trước những vấn đề trên, tại buổi đối thoại, lãnh đạo Công ty đã báo cáo giải trình tất cả những kiến nghị, vướng mắc của công nhân và người nhận khoán. Có thể thấy rằng, những vấn đề lớn đều được lãnh đạo Công ty viện dẫn đầy đủ căn cứ pháp lý, chủ trương của tỉnh khi áp dụng thực tế tại đơn vị. Chẳng hạn đối với phương án khoán gọn vườn cà phê tại Công ty, bên cạnh cơ sở pháp lý là những nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ NN-PTNT, chỉ thị của UBND tỉnh (từ tham mưu của các ngành liên quan)... thì còn được được đưa ra bàn bạc, thống nhất với đại diện công nhân và người nhận khoán trước khi ký kết hợp đồng nhận khoán. Cũng trong nội dung này, việc thu sản lượng khoán 700 kg nhân xô/0,51 ha (hợp đồng phân chia hợp tác đầu tư sản phẩm theo tỷ lệ 51% - 49% (Công ty nắm 51%) cũng được căn cứ vào các cơ sở pháp lý và quan trọng nhất là đã có sự thống nhất của đại diện công nhân và người nhận khoán với Công ty…

Đó là hai trong số những vấn đề mà đại diện Công ty đã giải trình với đầy đủ căn cứ pháp lý và nhận được sự đồng thuận của công nhân, người nhận khoán trước khi triển khai. Thế nhưng, theo các vị đại diện của công nhân và người nhận khoán, sự đồng thuận này họ hoàn toàn không được thông qua mà chủ trương chỉ dừng lại ở các đội trưởng đội sản xuất và khi tìm hiểu thì được biết là các vị đội trưởng đều… quên triển khai đến công nhân, người nhận khoán.

Trong khi đó, chủ trương thu sản lượng khoán 700 kg nhân xô/0,51 ha được Công ty xây dựng dựa trên năng suất, sản lượng của năm 2010, với sản lượng 28 tạ/ha. Theo các công nhân và người nhận khoán, đây là năng suất cao nhất trong chu kỳ kinh doanh vườn cây, nhưng lại được Công ty dùng làm chuẩn năng suất cho suốt quá trình nhận khoán là rất bất hợp lý, thiệt thòi cho người lao động. Chưa kể, với giá cà phê xuống thấp, chi phí đầu tư tăng cao như hiện nay thì mức thu sản lượng khoán trên thực sự là gánh nặng với người nhận khoán.

 Công nhân  và người  nhận khoán tranh luận  tại hội nghị đối thoại.
Công nhân và người nhận khoán tranh luận tại hội nghị đối thoại.

Rõ ràng, dù đã có đầy đủ căn cứ pháp lý và nói theo cách của Công ty là đã nhận được sự "đồng thuận" của công nhân, người nhận khoán thì cũng đã bộc lộ rất nhiều bất cập. Bên cạnh đó, trong số những kiến nghị của công nhân và người nhận khoán cũng có những vấn đề được đại diện các sở, ngành chuyên môn chỉ ra sai sót bắt nguồn từ Công ty. Chẳng hạn, ngoài mức khoán gọn 700 kg nhân xô/0,51 ha, Công ty còn thu thêm 250.000 đồng/ha/năm tiền khấu hao kênh từ năm 2011 – 2017. Sau khi có trả lời của Sở Tài chính là khoản thu này thu sai quy định, Công ty đã tiến hành hoàn trả lại số tiền đã thu của công nhân và người nhận khoán.

Ở chiều ngược lại, cũng có những vấn đề nảy sinh bắt nguồn từ việc công nhân và người nhận khoán chưa nhận thức đầy đủ các quy định. Đơn cử như yêu cầu được hưởng 100% giá trị cây muồng đen trên vườn cà phê được giao khoán. Theo lý giải của công nhân và người nhận khoán, Công ty sản xuất, kinh doanh cà phê nên hợp đồng hợp tác đầu tư và phân chia sản phẩm không có giá trị cây muồng đen. Hơn nữa, cây muồng đen do người lao động tự chăm sóc nên phải được hưởng 100% giá trị mà nó mang lại. Tuy nhiên, theo đại diện Sở Tài chính, cây muồng đen là cây che bóng phục vụ sản xuất nên được xem là tài sản gắn liền trên đất.

Để giải quyết những vướng mắc giữa công nhân và người nhận khoán với Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi một cách thấu tình, đạt lý, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, tránh để phát sinh những mâu thuẫn không cần thiết, rất cần tinh thần cầu thị, lắng nghe giữa các bên trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động. Điều này cũng đã được Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà nói rõ khi kết luận tại hội nghị đối thoại. Theo đó, những vấn đề thuộc về quy định, mang tính nguyên tắc thì không thể thay đổi được, nhưng một số nội dung mang tính thỏa thuận giữa các bên thì cần cùng nhau ngồi lại bàn bạc rõ ràng, cụ thể hơn trên nguyên tắc quyền lợi của người lao động là trên hết.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.