Multimedia Đọc Báo in

Hướng phát triển kinh tế mới ở Cư Pui

09:17, 19/06/2019

Xã Cư Pui (huyện Krông Bông) có tổng số đàn trâu bò là 2.833 con; giảm gần 1.000 con so với năm 2017, chủ yếu do diện tích các đồng cỏ bị thu hẹp, trâu bò khan hiếm dần nguồn thức ăn. Trước thực trạng trên, nhiều nông hộ ở xã Cư Pui đã chuyển hướng sang mô hình nuôi bò nhốt chuồng và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Toàn xã Cư Pui hiện có hơn 200 hộ chăn nuôi thực hiện mô hình nuôi nhốt trâu bò tại chỗ với số lượng từ 1 - 20 con, trong đó thôn Điện Tân nuôi nhiều nhất với 38 hộ. Thu nhập trung bình của các hộ chăn nuôi đạt hơn trăm triệu đồng mỗi năm.

Đơn cử như gia đình anh Nguyễn Trọng Hà (thôn Điện Tân) trước đây chỉ nuôi trâu lấy sức kéo phục vụ sản xuất; nhưng khi thấy việc nuôi trâu không hiệu quả bằng nuôi bò thương phẩm, anh Hà đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 5 con bò giống (mỗi con có giá từ 8 -10 triệu đồng) thực hiện mô hình nuôi nhốt tại chỗ, tận dụng quỹ đất ít ỏi trong vườn để trồng cỏ chăn nuôi. Qua hơn một năm, sau khi trừ chi phí anh có lãi khoảng 10 triệu đồng mỗi con.

Nhận thấy việc nuôi nhốt đỡ tốn công chăn dắt, bò lớn nhanh, ít tiếp xúc với các mầm bệnh xung quanh và mang lại hiệu quả kinh tế, anh Hà tiếp tục đầu tư mua thêm con giống và trồng thêm 3.000 m2 cỏ voi cung cấp nguồn thức ăn cho đàn bò.  Ngoài thức ăn xanh, anh còn cho ăn dặm thức ăn cám dạng viên, đàn bò của anh lớn nhanh trông thấy, ít bệnh tật. Hiện trong chuồng của gia đình anh luôn duy trì số lượng đàn bò khoảng 20 con, thu nhập từ nuôi bò đạt hơn 150 triệu đồng mỗi năm.

Nhiều thanh niên địa phương đến tham quan mô hình nuôi bò nhốt chuồng của gia đình anh Trần Văn Khương.
Nhiều thanh niên địa phương đến tham quan mô hình nuôi bò nhốt chuồng của gia đình anh Trần Văn Khương.

Anh Trần Văn Khương (cùng thôn Điện Tân) cũng đầu tư nuôi bò cái sinh sản và nuôi bò vỗ béo theo hình thức nuôi nhốt. Ban đầu anh thử nghiệm nuôi 3 con bò cái sinh sản, sau hơn 1 năm đã cho ra 3 con bê khỏe mạnh. Vừa nuôi bò sinh sản, anh vừa tìm mua những con bò gầy, bò hết khả năng cày kéo về nuôi nhốt, vỗ béo khoảng 2-3 tháng để bán ra thị trường, mỗi con thu lãi từ 3 - 5 triệu đồng. Đến năm 2016, anh mạnh dạn đầu tư nuôi 6 con bò cái sinh sản và duy trì luân phiên khoảng 10 con bò thương phẩm.

Theo kinh nghiệm của anh, để nuôi vỗ béo lấy thịt đạt hiệu quả cao, cần chọn những con không quá già, không mắc bệnh. Bò địa phương, bò đực tăng trọng nhanh hơn bò cái và chọn những con bò gầy, khung xương to sẽ cho hiệu quả cao hơn. Trước khi đưa vào vỗ béo, bò phải được tẩy ký sinh trùng. Thức ăn dùng vỗ béo bò gồm: các loại cỏ, ngô, cám gạo, bổ sung thêm khoáng. Trung bình mỗi con bò trưởng thành, anh bán ra thị trường với giá từ 20 - 25 triệu đồng/con. Bên cạnh đó, anh còn tận dụng phân chuồng từ chăn nuôi để bón cho cây cà phê, giảm đáng kể chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập.

Các gia đình ông Mai Vi Văn, Trần Phú Đồng (thôn Điện Tân) cũng đã chuyển hướng sang chăn nuôi bò nhốt theo hình thức nhỏ lẻ luân phiên, đàn bò trong chuồng luôn duy trì số lượng từ 4 - 5 con. Để có đầy đủ lượng thức ăn cho đàn bò, các hộ dân này đã trồng xen cỏ voi trong các lô cà phê, tận dụng rơm rạ của nhiều hộ sau mỗi vụ thu hoạch lúa tích vào kho dự trữ cho đàn gia súc vào mùa đông. Riêng ông Mai Vi Văn còn trồng thêm 300 m2 mía để bổ sung nguồn thức ăn cho bò nên đàn bò của ông luôn béo mập. Hiện nay các hộ này có thu nhập mỗi năm từ 60 - 70 triệu đồng từ chăn nuôi.

Tương tự, nhận thấy 1.000 m2 ruộng nước không mang lại hiệu quả, gia đình anh Dương Văn Vinh (thôn Điện Tân) chuyển sang trồng cỏ với mô hình nuôi bò nhốt chuồng. Anh còn kết hợp cỏ ruộng với cám ngô làm thức ăn cho bò, vừa tận dụng được công lao động nhàn rỗi vừa tăng năng suất chăn nuôi. Gia đình anh luôn duy trì số lượng từ 6 - 7 con bò; ước tính mỗi con cho lãi khoảng 12 triệu đồng.

Ngoài các hộ ở thôn Điện Tân, nhiều hộ khác ở xã Cư Pui như: gia đình anh Trương Sĩ Huy (buôn Đăk Tuôr), Sùng A Lùng (thôn Ea Lang), Y Lim Niê (buôn Khanh)... cũng tích cực chuyển đổi từ hình thức chăn nuôi truyền thống sang mô hình nuôi nhốt. Nói về mô hình này, ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui đánh giá cao cách làm mới của bà con tại địa phương bởi cách nuôi này có nhiều ưu điểm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, rất cần được nhân rộng ở địa phương.

Vàng A Hiệp


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) 7 nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chương trình số 56-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 46 –NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về “Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”.