Multimedia Đọc Báo in

Gỗ keo tăng giá, người trồng rừng phấn khởi

09:19, 06/05/2019

Thời gian gần đây, giá gỗ keo nguyên liệu liên tục tăng, đạt mức trên 1,1 triệu đồng/tấn, sức mua mạnh khiến người trồng rừng huyện M’Đrắk phấn khởi.

Huyện M’Đrắk có diện tích rừng trồng 11.546,47 ha, mỗi năm luân chuyển trồng mới trên 1.100 ha. Năm 2018, toàn huyện trồng mới 2.985 ha rừng, đạt gần 103,5% kế hoạch, thu hoạch trên 300.000 m3 gỗ rừng trồng (tăng 70.000 m3 so với năm 2017), trong đó: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrắk 80.000 m3, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Núi Vọng Phu 50.000 m3, người dân khai thác 170.000 m3.

Đây cũng là nguồn nguyên liệu dồi dào cho 3 nhà máy hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ trên địa bàn là Công ty Cổ phần chế biến gỗ Trường Thành, Công ty TNHH Tam Phát, Nhà máy dăm mảnh - HTX Tiến Nam. Từ cuối năm 2018 đến nay, giá gỗ rừng trồng liên tục tăng mạnh. Theo bảng giá công bố của HTX Tiến Nam chi nhánh Nhà máy dăm mảnh đóng tại thôn 1, xã Cư Króa, từ tháng 11-2018 đến nay, nhà máy đã có 8 đợt điều chỉnh giá thu mua keo giấy với giá tăng từ 940.000 đồng/tấn lên 1,1 triệu đồng/tấn. Năm 2018, nhà máy nhập vào 109.863 tấn keo nguyên liệu, xuất bán cho thị trường trong và ngoài nước 112.288 tấn sản phẩm gỗ băm dăm.

Nhờ vậy, sản phẩm gỗ băm dăm của huyện M’Đrắk đạt 94.800 m3, bằng 364% kế hoạch, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm trước. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, nhà máy đã thu mua gần 40.000 tấn keo nguyên liệu và xuất bán trên 32.000 tấn gỗ băm dăm, bình quân xuất – nhập 400 tấn/ngày.

Nhà máy dăm mảnh - HTX Tiến Nam thu mua và chế biến cây keo nguyên liệu.
Nhà máy dăm mảnh - HTX Tiến Nam thu mua và chế biến cây keo nguyên liệu.

Giá gỗ keo nguyên liệu tăng, sức mua mạnh, thị trường tiêu thụ ổn định khiến người trồng keo phấn khởi. Theo tính toán của những hộ chuyên trồng rừng sản xuất tại huyện M’Đrắk, trong suốt chu kỳ 5 năm, đầu tư cho 1 ha rừng keo từ tiền mua cây giống, công cuốc hố, trồng cây giống và bón phân lót… chi phí hết khoảng hơn 20 triệu đồng. Khi keo được thu hoạch, năng suất trung bình từ 80 - 100 tấn gỗ/ha, nếu rừng keo nào được chăm sóc tốt sẽ đạt năng suất 120 - 140 tấn/ha. Với giá 1,1 triệu đồng/tấn như hiện nay, người trồng rừng có lãi bình quân khoảng 60 - 80 triệu đồng/ha.

Người dân thôn 1, xã Cư Króa thu hoạch gỗ rừng trồng.
Người dân thôn 1, xã Cư Króa thu hoạch gỗ rừng trồng.

Gia đình ông Trịnh Xuân Tự (ở thôn 1, xã Cư Króa) có gần 5 ha đất trồng cây keo nguyên liệu giấy. Đầu năm 2019, ông Tự khai thác 1 ha, thu được 130 tấn gỗ keo nguyên liệu. Với giá bán 1,1 triệu đồng/tấn, tăng gần 300.000 đồng/tấn so với năm trước đã mang lại cho gia đình ông lợi nhuận gần 80 triệu đồng sau khi trừ chi phí, tăng hơn 20 triệu đồng so với chu kỳ thu hoạch trước.

Gia đình ông Nguyễn Hữu Tĩnh (ở thôn 6, xã Cư Króa) có hơn 10 ha cây keo nguyên liệu trồng từ năm 2015. Từ cuối 2018 đến nay, gia đình ông Tĩnh đã bán rải rác các lứa keo trồng năm thứ 3, thứ 4 với giá bao khoán 100 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí thu lãi trên 80 triệu đồng/ha. Ông Tĩnh chia sẻ, cây gỗ keo trồng trên đất Cư Króa sinh trưởng, phát triển nhanh hơn ở các vùng đất khác, thân to chắc nên trọng lượng luôn đạt trên 1 tấn/ster. Bên cạnh đó, chu kỳ khai thác tại vùng khác phải từ 5 năm trở lên mới đảm bảo sản lượng, nhưng tại xã Cư Króa chỉ cần 3 - 4 năm có thể cho thu hoạch đạt năng suất. Giá thu mua keo giấy tại Nhà máy dăm mảnh Tiến Nam liên tục tăng, thị trường tiêu thụ thuận lợi, cây keo được nhiều thương lái hỏi mua khiến nông dân trồng keo vô cùng phấn khởi.

Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.