Multimedia Đọc Báo in

Cư Kuin chủ động đối mặt với khô hạn

09:13, 13/03/2019

Vụ đông xuân 2018 – 2019, huyện Cư Kuin gieo trồng được 1.999 ha (đạt 103% kế hoạch), trong đó chủ yếu là lúa nước hơn 1.540 ha, còn lại là ngô, rau, đậu các loại.

Bên cạnh đó, toàn huyện hiện có trên 12.400 ha cà phê và khoảng 4.000 ha tiêu. Các loại cây trồng này đang trong giai đoạn sinh trưởng, phát triển mạnh nên nhu cầu nước tưới rất cao. Trong khi đó, lượng nước chứa ở các hồ như: hồ Ea Tlá 1 (xã Hòa Hiệp), hồ thôn 5, hồ Sình tre (xã Cư Êwi), hồ đội 9 (xã Ea Ktur) hiện dưới mực nước dâng bình thường từ 1 - 3,4 m, gây khó khăn về nguồn nước tưới cho cây trồng. Tuy nhiên, nhờ xây dựng phương án chống hạn cụ thể cho từng cánh đồng, từng loại cây trồng, huyện Cư Kuin đã chủ động ứng phó với hạn hán.

Ông Đặng Thanh Diệu, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư Kuin cho biết, nhằm chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng, ngay từ đầu vụ đông xuân 2018 – 2019, Phòng đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các địa phương, đơn vị chú trọng tích nước cho hồ đập, xây dựng phương án chống hạn cụ thể cho từng cánh đồng, từng loại cây trồng. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp địa phương cũng khuyến cáo bà con gieo sạ sớm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những vùng khan hiếm nước sang trồng hoa màu.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư Kuin (giữa) kiểm tra tình hình sản xuất ở cánh đồng thôn 5, xã Cư Êwi.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư Kuin (giữa) kiểm tra tình hình sản xuất ở cánh đồng thôn 5, xã Cư Êwi.
 
"Để hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra do hạn hán, các đơn vị, địa phương và nông dân cần tăng cường công tác quản lý, điều tiết nước hợp lý, tổ chức tưới luân phiên, tiết kiệm vì với thời tiết nắng nóng kéo dài như hiện nay thì khó tránh khỏi tình trạng thiếu nước tưới”.
 
Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư Kuin Đặng Thanh Diệu

UBND huyện Cư Kuin đã chỉ đạo các xã, các công ty quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ) để ứng phó với khô hạn. Theo đó, các địa phương, đơn vị đã chủ động xây dựng phương án chống hạn, đặt trạm bơm dã chiến, chuẩn bị máy bơm, thiết bị và nhiên liệu sẵn sàng bơm chống hạn khi cần thiết; tu sửa các công trình thủy lợi, khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm; rà soát, cân đối nguồn nước thực tế ở các hồ, đập, nguồn nước ngầm để hướng dẫn, bố trí diện tích, cơ cấu cây trồng hợp lý; huy động lực lượng lao động làm thủy lợi, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương dẫn nước, khắc phục những chỗ hư hỏng, hạn chế tình trạng thất thoát nguồn nước... UBND huyện cũng nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân hợp đồng nuôi cá trên các hồ đập tự ý tháo nước phục vụ cho việc đánh bắt cá và phải bồi thường toàn bộ thiệt hại sản lượng cây trồng do thiếu nước nếu có.

Xã Cư Êwi là một trong những điểm “nóng” của huyện Cư Kuin về vấn đề nước tưới cho cây trồng trong mùa khô. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện và ngành Nông nghiệp, địa phương đã chủ động trong công tác chống hạn. Bà Lê Thị Hà, cán bộ Địa chính – Nông nghiệp xã Cư Êwi cho hay, vụ đông xuân 2018 – 2019, toàn xã gieo trồng được 150 ha cây trồng các loại. Qua công tác kiểm tra, nhận thấy trữ lượng nước của 4 hồ thủy lợi trên địa bàn chỉ đạt khoảng 60% dung tích nên xã đã khuyến cáo bà con gieo sạ sớm, chuyển đổi một số diện tích lúa không bảo đảm nguồn nước sang trồng ngô, đậu các loại, chủ động tìm kiếm nguồn nước bơm tưới diện tích cà phê, tiêu và lúa đang trong thời kỳ sinh trưởng, phát triển.

Cán bộ thủy lợi huyện Cư Kuin bảo dưỡng công trình thủy lợi hồ Ea Bil, xã Ea Bhốk.
Cán bộ thủy lợi huyện Cư Kuin bảo dưỡng công trình thủy lợi hồ Ea Bil, xã Ea Bhốk.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Cư Kuin hiện có 67 công trình thủy lợi, trong đó có 48 hồ chứa, 17 đập dâng, 1 tuyến kênh và 1 trạm bơm với tổng dung tích chứa hơn 30 triệu m3, bảo đảm tưới nước chủ động cho gần 78% diện tích có nhu cầu tưới. Để khắc phục tình trạng một số công trình thủy lợi đã xuống cấp, có biểu hiện thấm, nứt, lún đập, xói lở hạ lưu… ảnh hưởng đến khả năng tích nước và gây thất thoát nguồn nước, từ năm 2013 đến nay, bằng các nguồn vốn khác nhau, huyện đã đầu tư trên 7,5 tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa được 12.500 m kênh chính và kênh nội đồng, xây dựng 2 đập dâng, sửa chữa các cống nước… Theo ông Đặng Thanh Diệu, nhờ chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó với khô hạn, đến thời điểm này, huyện Cư Kuin vẫn cơ bản bảo đảm được lượng nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.