Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực xóa hợp tác xã "hữu danh vô thực"

08:59, 25/02/2019

Vẫn còn hơn 90 hợp tác xã (HTX) ngừng hoạt động hoặc chỉ tồn tại trên hình thức là một con số không hề nhỏ trong công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể của Đắk Lắk. Thế nhưng việc tiến hành thủ tục xóa bỏ các HTX “hữu danh vô thực” này hiện vẫn còn nhiều khó khăn.

Muốn được giải thể cũng khó

Trong tổng số 459 đơn vị HTX, Liên hiệp HTX trên địa bàn toàn tỉnh (tính đến 31-12-2018) thì có đến 93 HTX ngừng hoạt động cần giải thể, chiếm tỷ lệ 20% tổng số HTX của tỉnh. Trong năm 2018, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ mới hoàn thành thủ tục giải thể đối với 17 HTX đã ngừng hoạt động.

Hiện nay, có đến 53/93 HTX còn nợ thuế, nợ các khoản nộp ngân sách, nợ tổ chức tín dụng, nợ thành viên hợp tác xã, nợ doanh nghiệp... với tổng số tiền gốc và lãi tạm tính khoảng hơn 50 tỷ đồng. Trong đó, có 49 HTX nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách với số tiền gần 8 tỷ đồng, 3 HTX nợ tổ chức tín dụng với số tiền hơn 40 tỷ đồng, 4 HTX nợ thành viên và doanh nghiệp với số tiền hơn 2 tỷ đồng. Con số thống kê này chưa kể đến một số HTX ngừng hoạt động lâu năm, sổ sách, giấy tờ liên quan bị thất lạc, chưa thể xác định đầy đủ công nợ có liên quan. Trong khi đó, các HTX còn vướng nợ đọng đều không có tài sản hoặc có tài sản cũng không đủ thanh toán nợ gốc và lãi phát sinh trong thời gian qua. Cũng chính vì lý do này, 20 HTX ngừng hoạt động từ trước năm 2013 đến nay vẫn chưa giải thể được như: HTX Điện và Dịch vụ Ea Tul (huyện Cư M'gar), HTX Sản xuất vật liệu Châu Phú (TP. Buôn Ma Thuột), HTX Nông nghiệp và dệt thổ cẩm Ea Rbin (huyện  Lắk)...

HTX Nấm linh chi và Dịch vụ nông nghiệp Krông Ana là một trong những đơn vị hoạt động hiệu quả.  Trong ảnh: Đại diện HTX đang giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.
HTX Nấm linh chi và Dịch vụ nông nghiệp Krông Ana là một trong những đơn vị hoạt động hiệu quả. Trong ảnh: Đại diện HTX đang giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.

Vì lý do nợ thuế, việc giải thể HTX bị “treo” đã đành, một số HTX còn không được cấp giấy xác nhận không nợ thuế vì chưa đăng ký mã số thuế. Các HTX này thực chất chỉ mới được thành lập trên danh nghĩa chứ chưa đi vào hoạt động trên thực tế, chẳng hạn như HTX Sản xuất và công nghiệp Như Thu, HTX NL Dệt Đam Bhu (TP. Buôn Ma Thuột). Bên cạnh đó, qua theo dõi, tổng hợp của các địa phương, nhiều HTX đã không còn liên lạc được với Hội đồng quản trị (HĐQT), không thể tìm được Ban chủ nhiệm (do chưa chuyển đổi), giám đốc đã chết... nên không có người đại điện chịu trách nhiệm làm thủ tục giải thể theo quy định của pháp luật, không có kinh phí thực hiện giải thể.

Tháo gỡ những nút thắt

Trước những vấn đề này, ngay từ đầu năm 2017, Ban chỉ đạo Phát triển kinh tế tập thể của tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp như: tăng cường vận động, giải thích, hướng dẫn, hỗ trợ về hồ sơ để HTX yếu kém, ngừng hoạt động làm thủ tục giải thể tự nguyện; sử dụng ngân sách cấp huyện hỗ trợ HTX làm thủ tục giải thể, nếu địa phương có nhiều HTX cùng làm thủ tục giải thể thì hỗ trợ đăng thông báo chung cho các HTX để giảm chi phí; giao Phòng Tài chính – Kế hoạch cấp huyện rà soát lại danh sách HĐQT HTX để phối hợp với UBND xã và số thành viên HĐQT còn lại bàn biện pháp xử lý theo từng trường hợp cụ thể; trường hợp người đại diện theo pháp luật đã chết hoặc không có người đứng ra làm các thủ tục giải thể thì một thành viên HĐQT chịu trách nhiệm chính trong việc phối hợp với cán bộ xã, thôn, buôn nơi HTX hoạt động tổ chức họp số thành viên còn lại để làm thủ tục giải thể.

HTX Dệt thổ cẩm Buôn Ma Thuột chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa.
HTX Dệt thổ cẩm Buôn Ma Thuột chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa.

Riêng về các khoản nợ đọng, UBND tỉnh đang tiếp tục đề nghị Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan xem xét, nghiên cứu phương án khoanh nợ, xóa nợ thuế, nợ ngân hàng và nợ doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện xử lý dứt điểm việc giải thể hoặc chuyển đổi sang loại hình khác đối với HTX ngừng hoạt động trong thời gian dài.

Tại Hội nghị tổng kết tình hình phát triển kinh tế tập thể năm 2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng đã giao Liên minh HTX tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch – Đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát HTX ngừng hoạt động, tồn tại trên hình thức, làm cơ sở để UBND các địa phương tiến hành các trình tự, thủ tục giải thể các HTX này, hoàn thành trong quý I-2019. Đây là những bước đi cấp thiết để tập trung củng cố lại các HTX theo chiều sâu, nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển các hình thức kinh tế tập thể phù hợp với tính chất của lực lượng sản xuất, góp phần xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nền kinh tế. 

Toàn tỉnh hiện có 366 HTX đang tổ chức hoạt động hiệu quả, trong đó có 78 hợp tác xã mới thành lập trong năm 2018. UBND tỉnh và các ngành chức năng đã triển khai thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ HTX như: cho thuê đất, giải ngân vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, bồi dưỡng nguồn nhân lực, hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường...

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.