Multimedia Đọc Báo in

Giá hồ tiêu thấp, người trồng không dám thuê nhân công

08:52, 27/02/2019

Thời điểm này nông dân trên địa bàn huyện Cư M’gar đang vào mùa thu hoạch tiêu niên vụ 2018 - 2019. Tuy nhiên giá tiêu đang tuột dốc mạnh khiến nhiều gia đình thấp thỏm lo âu không dám thuê nhân công hái.

Vừa tưới cà phê vừa tranh thủ cùng với các thành viên trong gia đình thu hoạch tiêu, ông Trần Thanh Linh ở thôn 2, xã Ea M’nang rầu rĩ chia sẻ: Gia đình ông có tổng cộng 1,1 ha đất trồng cà phê xen hồ tiêu với tổng số hơn 1.200 trụ, trong đó có hơn 700 trụ đang trong giai đoạn kinh doanh và số còn lại mới trồng được năm thứ hai. Giai đoạn từ năm 2014-2016, khi giá hồ tiêu lên cao gia đình rất vất vả trong việc trông nom vườn để đề phòng kẻ gian hái trộm và việc tìm nhân công thu hoạch tiêu cũng không mấy khó khăn.

Tuy nhiên hai năm trở lại đây giá hồ tiêu giảm sâu, hiện tại chỉ còn ở mức 42 - 44 nghìn đồng/kg nên ông không còn mặn mà với việc chăm sóc, canh giữ vườn tiêu như trước. Việc thu hoạch hồ tiêu cũng không còn rầm rộ như những năm trước mà chỉ có 3 thành viên trong gia đình xoay xở, vì nếu thuê nhân công, cộng chi phí đầu tư phân bón, thuốc thang cho cây thì sẽ không có lãi, thậm chí là lỗ. “Bên cạnh giá thấp, năm nay nhiều hộ gia đình còn phải đối mặt với tình trạng tiêu bị bệnh chết dần càng khiến nhiều hộ ái ngại việc thuê công thu hoạch” - ông Linh cho biết thêm.

Ông Trần Thanh Linh vất vả gom tiêu vừa hái.
Ông Trần Thanh Linh vất vả gom tiêu vừa hái.

Cũng như nhà ông Linh, vì không dám thuê công, nên cả tuần nay các thành viên trong gia đình bà H’Liăp Niê ở buôn Cuôr Đăng B, xã Cuôr Đăng phải thay phiên nhau đi đổi công để kịp thu hoạch hơn 800 trụ tiêu ở rẫy. Mấy năm trước bà H’Liăp còn thuê công hái, nhưng năm nay giá tiêu xuống mức thấp nhất từ trước tới nay nên cả gia đình chỉ còn cách ráng đi đổi công mới đủ trang trải. Theo bà H’Liăp, hiện tại trong buôn, hầu hết ai cũng chọn cách đi đổi công để giảm bớt chi phí phát sinh. Mấy năm trước thu nhập chính của gia đình bà là từ cà phê và cây tiêu. Nhưng với đà này thì bà không hy vọng gì nhiều khi cả tiêu lẫn cà phê gần bằng giá nhau, cả năm vất vả với nương rẫy chỉ đủ tiền phân bón, dầu tưới…

Cũng đang thu hoạch tiêu, ông Lý Ngọc Đính ở Tổ dân phố 1, thị trấn Quảng Phú chia sẻ: Gia đình có 1 ha tiêu trồng xen cà phê, sầu riêng với khoảng 1.100 trụ tiêu, trong đó chủ yếu là tiêu trồng ở năm thứ 3, thứ 4. Năm ngoái thu được hơn 5 tạ tiêu khô, năm nay sản lượng tăng gấp đôi nhưng ông không vui vì giá tiêu quá thấp, trong khi đó chi phí đầu tư chăm sóc và thuê nhân công thu hoạch cao nên không mang lại lợi nhuận. Dù biết thuê công hái sẽ không có lời, nhưng vì nhà neo người, trong khi đó tiêu ngoài vườn đã chín rộ nếu không hái sẽ rơi rụng nên đành chấp nhận lỗ.

Các thành viên trong gia đình bà Liăp Niê thu hoạch tiêu.
Các thành viên trong gia đình bà Liăp Niê thu hoạch tiêu.

Ông Ngô Xuân Biện, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư M’gar cho hay, toàn huyện có 2.430 ha hồ tiêu, chủ yếu là trồng xen canh với cây cà phê và các loại cây trồng khác. Hiện các nông hộ đã thu hoạch được khoảng 30-40% sản lượng tiêu. Do giá hồ tiêu quá thấp nên đa số các hộ gia đình đều phải tự huy động công nhà để thu hoạch cho kịp tiến độ trước khi tiêu rụng.

Djuang Niê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.