Multimedia Đọc Báo in

Dẹp loạn "tín dụng đen" (Kỳ cuối)

09:58, 11/01/2019

[links(left)]

Kỳ cuối:  Chung tay đẩy lùi "tín dụng đen"

Trước tình trạng tín dụng đen (TDĐ) len lỏi khắp nơi, cùng với sự đấu tranh quyết liệt của lực lượng công an, chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng, đoàn thể và tổ chức ngân hàng cũng đã vào cuộc với những giải pháp cụ thể.

Thiết lập kênh vay vốn an toàn, thuận lợi cho người dân

Theo đánh giá của UBND tỉnh, thời gian qua, hoạt động TDĐ có chiều hướng diễn ra phức tạp, qua thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có khoảng 40 tổ chức trong và ngoài tỉnh chuyên cho vay tiền dưới hình thức đại lý vật tư nông nghiệp, cầm đồ, đáo hạn ngân hàng... Hoạt động này đã kéo theo những hậu quả về an ninh, trật tự, gây bức xúc trong xã hội. Do đó, tại văn bản số 8477/UBND-NC, ngày 2-10-2018, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn nạn TDĐ. Cụ thể là thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, tăng cường quản lý các cơ sở mua bán hàng hóa nông sản, dịch vụ cầm đồ, cho thuê tài chính không thuộc hệ thống ngân hàng; rà soát đối tượng môi giới, hoạt động TDĐ trên địa bàn, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số để xử lý theo quy định của pháp luật.

Cán bộ  Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Năng thăm mô hình phát triển kinh tế bằng vốn tín dụng ưu đãi của người dân xã Ea Dah, huyện Krông Năng.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Năng thăm mô hình phát triển kinh tế bằng vốn tín dụng ưu đãi của người dân xã Ea Dah, huyện Krông Năng.

Sau khi có ý kiến chỉ đạo của tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đắk Lắk chỉ đạo các tổ chức tín dụng phối hợp với chính quyền địa phương, ngành chức năng tuyên truyền đến người dân về quyền và nghĩa vụ, an toàn trong vay vốn qua hệ thống ngân hàng; thông tin rộng rãi các gói vay ưu đãi, các quỹ hỗ trợ của Nhà nước để người dân tiếp cận vay vốn; tăng cường hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi về hồ sơ tín dụng, tránh nhũng nhiễu, phiền hà khi người dân vay vốn, nhất là người nghèo, người dân tộc thiểu số.

Ông Nguyễn Đình Sâm, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông cho biết, địa phương luôn chú trọng rà soát, nắm tình hình, đẩy mạnh tuyên truyền để đồng bào dân tộc thiểu số hiểu rõ tác hại của TDĐ; đồng thời, phối hợp với ngành ngân hàng triển khai các chương trình tín dụng chính sách; tăng cường công tác khuyến nông, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nhằm giúp người dân sử dụng vốn hiệu quả.

Để giúp nông dân tháo gỡ khó khăn về vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, thời gian gần đây đã có nhiều mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với các cá nhân, tổ chức sản xuất được triển khai trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, 26 hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp thực hiện liên kết với doanh nghiệp trong việc cung cấp dịch vụ đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra hoặc vừa cung cấp dịch vụ đầu vào vừa bao tiêu sản phẩm đầu ra. Những mô hình liên kết này đã tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh và giảm rủi ro cho người nông dân.

Đưa vốn ngân hàng đến tận tay người dân

Theo ông Nguyễn Kim Cương, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đắk Lắk, hệ thống ngân hàng luôn nỗ lực mở rộng phạm vi hoạt động, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân trong việc tiếp cận vốn chính thống. Tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đến nay đạt 91.910 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm 2018. Riêng cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 44.872 tỷ đồng, chiếm 48,8% tổng dư nợ. Việc thực hiện các chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp của nông dân một cách nhanh chóng đã góp phần hạn chế việc người dân tìm đến TDĐ.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 47 tổ chức tín dụng đang hoạt động, gồm 35 chi nhánh ngân hàng và 12 quỹ tín dụng nhân dân; có 204 điểm giao dịch ngân hàng, tăng 5 điểm giao dịch so với năm 2017.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ tín dụng, triển khai thêm các hình thức cung cấp thông tin cho người dân về các gói vay ngắn hạn, dài hạn, nhất là vay ưu đãi; giải quyết, đơn giản hóa các thủ tục cho vay, thanh toán để giúp người dân tiếp cận vốn dễ dàng. Đồng thời, các ngân hàng, quỹ tín dụng cũng đã áp dụng các công nghệ mới trong hoạt động để đáp ứng nhu cầu thanh toán và vay vốn của người dân, mở thêm chi nhánh, ngân hàng lưu động, điểm giao dịch bằng ô tô chuyên dùng phương tiện kỹ thuật an toàn, mọi hoạt động giao dịch được thực hiện ngay trên xe ô tô chuyên dùng. Hình thức ngân hàng này có công cụ bảo vệ, hệ thống mạng, hệ thống cung cấp điện, thiết bị định vị và giám sát đa năng, giúp khách hàng có thể thực hiện các giao dịch mà không cần phải đến tận ngân hàng, qua đó mở rộng phạm vi tín dụng và cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các hộ sản xuất, cá nhân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Người dân đến giao dịch tại điểm giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông
Người dân đến giao dịch tại điểm giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông.

Đối với tín dụng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Đắk Lắk đã thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi, tín dụng đặc thù; chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong hệ thống phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể trong việc hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách vay vốn và sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Từ đầu năm đến nay đã có gần 45.000 lượt khách hàng trên địa bàn tỉnh vay vốn chính sách, với tổng số tiền hơn 1.127 tỷ đồng, trong đó, một số chương trình có doanh số cao như: hộ nghèo hơn 357 tỷ đồng, cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn gần 170 tỷ đồng, vay phát triển kinh tế miền núi và dân tộc thiểu số hơn 11 tỷ đồng. Nhờ được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi, nhiều hộ dân, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa đã có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Ông Trần Mốt, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Đắk Lắk khẳng định, hầu hết các chương trình cho vay từ vốn chính sách không cần phải thế chấp tài sản, người dân thuộc đối tượng phục vụ của tín dụng chính sách khi có nhu cầu vay vốn sẽ được các tổ vay vốn hỗ trợ, bình xét, hồ sơ vay vốn rất đơn giản, thủ tục sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng.

Minh Thông – Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.