Multimedia Đọc Báo in

Dự án đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc hướng thịt tại huyện M'Đrắk: Nhiều sai phạm trong giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư

11:30, 12/10/2018

Dự án đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc hướng thịt tại huyện M’Đrắk được đồng ý chủ trương từ năm 2008 và bắt đầu triển khai xây dựng cơ bản từ năm 2012, tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa phát huy được hiệu quả; cơ quan thanh tra phải vào cuộc.

Gần 10 năm chưa xong giải phóng mặt bằng

Năm 2010, Công ty TNHH Liên hợp công – nông nghiệp phát triển bền vững Sao Đỏ (Công ty Sao Đỏ) được UBND tỉnh cho thuê 1.513 ha, tại thôn 8, xã Ea Lai, huyện M’Đrắk thực hiện Dự án đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc hướng thịt. Để giao đất cho nhà đầu tư, UBND tỉnh và huyện M’Đrắk đã ban hành các quyết định thu hồi của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrắk (1.007 ha), Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai (gần 4 ha) và 135 hộ dân (403,5 ha) và 98,5 ha đất lâm nghiệp, đất sông suối do UBND xã Ea Lai quản lý (không có quyết định thu hồi). Phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án được UBND huyện M’Đrắk phê duyệt lần đầu tiên vào tháng 12-2010, với tổng kinh phí hơn 51,1 tỷ đồng. Theo kết luận thanh tra số 1542 của UBND tỉnh, phương án này được điều chỉnh, bổ sung 5 lần, đến thời điểm cuối cùng vào tháng 3-2015, tổng kinh phí được phê duyệt là 105,8 tỷ đồng. Nguyên nhân khiến kinh phí tăng lên gấp đôi là do Hội đồng bồi thường GPMB chưa áp dụng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm cho các hộ dân bị ảnh hưởng theo quy định của Chính phủ; việc kiểm kê lần đầu đã bỏ sót hơn 42,5 ha của 19 hộ dân; việc chuyển từ diện hỗ trợ sang bồi thường…

Khu vực trang trại nuôi bò của dự án Sao Đỏ.
Khu vực trang trại nuôi bò của dự án Sao Đỏ.

Theo kết quả thanh tra, kinh phí GPMB đã được bố trí, tạm ứng tổng cộng hơn 75,8 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và chi phí của nhà đầu tư. Riêng ngân sách tỉnh, từ năm 2011 đến 2015 đã tạm ứng và bố trí cho UBND huyện M’Đrắk tổng cộng hơn 50,4 tỷ đồng để thực hiện chi trả. Hội đồng bồi thường GPMB đã chi trả cho các tổ chức cá nhân 75,4 tỷ đồng, trong đó, chi trả cho gần 664 ha của 271 hộ dân số tiền 57,4 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrắk 3,2 tỷ đồng. Về hiện trạng các lô đất đã chi trả tiền đền bù, hơn 322 ha đã chi trả dứt điểm tiền đền bù, các lô đất nằm liền khoảnh, nhà đầu tư đang quản lý, sử dụng thuận lợi. 23,2 ha đã đền bù, không liền khoảnh, đã bàn giao cho nhà đầu tư nhưng bị xâm lấn. Còn lại, gần 318,5 ha chưa đền bù xong, không liền khoảnh và chưa bàn giao cho nhà đầu tư, do các lô đất nằm rải rác theo kiểu “da báo” nên rất khó thu hồi. Do đó, đến nay doanh nghiệp mới nhận bàn giao được hơn 1.000 ha, còn lại 471,5 ha chưa được bàn giao, gồm 452 ha của 240 hộ dân và hơn 19,3 ha đất hoang. Tuy nhiên, thực tế, nhà đầu tư đang quản lý, sử dụng 454,2 ha (tính cả sông, suối, đường giao thông), tương đương gần 30% tổng diện tích vùng dự án được phê duyệt, diện tích còn lại chưa được sử dụng vì chưa đền bù xong, bị lấn chiếm và chưa thanh lý hợp đồng với các cá nhân, tổ chức liên quan. Thậm chí, có 4 hộ dân tại khu vực 1 (khu trung tâm) và khu vực 2 dự án đã nhận tiền đền bù nhưng vẫn tiếp tục canh tác hoặc đất bị lấn chiếm nên chưa thu hồi dứt điểm. Bên cạnh đó, hơn 41,5 ha của 22 hộ dân được UBND tỉnh đồng ý đưa ra ngoài dự án từ tháng 7-2012, nhưng UBND huyện M’Đrắk cũng như Sở Tài nguyên và Môi trường chưa tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh giảm diện tích cho nhà đầu tư.

Nhiều sai phạm trong triển khai dự án

Dự án đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc hướng thịt được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư quy mô đàn bò 13.000 con, quản lý bảo vệ 71,5 ha rừng, trồng 96,5 ha rừng sản xuất, tổng mức đầu tư gần 224 tỷ đồng, dự kiến đưa vào khai thác sử dụng các hạng mục xây dựng cơ bản vào cuối năm 2012. Hiện, nhà đầu tư đã thực hiện một số hạng mục xây dựng cơ bản như: khu chuồng trại, nhà kho, nhà giết mổ, hồ chứa nước, kho nguyên liệu, thành phẩm…; nhập 3.232 con bò và trồng được 110 ha cỏ, ngô, đậu xanh, mía phục vụ chăn nuôi. Tuy nhiên, đoàn thanh tra của tỉnh cũng đã chỉ ra nhiều sai sót, vi phạm của doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án, tiến độ thực hiện chậm như: bên cạnh do vướng mắc về GPMB còn có trách nhiệm của chủ đầu tư. Cụ thể, nhà đầu tư không lập quy hoạch chi tiết xây dựng làm cơ sở triển khai đầu tư dự án; không xác định danh mục, quy mô, vị trí và tổng mức đầu tư của các hạng mục công trình xây dựng để triển khai và quản lý xây dựng; không lập thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất sử dụng xây dựng các công trình theo quy định. Đặc biệt, tất cả các hạng mục công trình xây dựng đều không có hồ sơ thiết kế dự toán và không có giấy phép xây dựng (vi phạm quy định tại điều 107 của Luật Xây dựng năm 2014). Bên cạnh đó, nhà đầu tư không có lực lượng quản lý bảo vệ rừng, chưa phối hợp với địa phương và các cơ quan chức năng trong việc giữ rừng dẫn đến suy giảm hơn 51 ha rừng trong vùng dự án. Về quy mô và mục tiêu dự án đều đạt thấp so với cam kết, trong đó, diện tích trồng cỏ và đất phục vụ chăn nuôi bò chỉ thực hiện được 228/950 ha quy mô phê duyệt (24% tổng diện tích), số lượng đàn bò 3.232/13.000 con (24,9%), tổng vốn đầu tư đã thực hiện 125,8 tỷ đồng/224 tỷ đồng(56,19%). Ngoài ra, cơ quan chức năng kết luận, nhà đầu tư thực hiện dự án chậm và phải chịu trách nhiệm vì dự án hiệu quả thấp, chưa đóng góp nhiều cho ngân sách và tạo việc làm cho lao động địa phương mặc dù được hưởng ưu đãi về đầu tư.

Trang trại nuôi bò của dự án hiện có hơn 3.200 con.
Trang trại nuôi bò của dự án hiện có hơn 3.200 con.

Theo đại diện Công ty Sao Đỏ thừa nhận, đơn vị không thể mở rộng được số lượng đàn bò vì thiếu diện tích trồng cỏ, các hạng mục triển khai chậm tiến độ buộc công ty phải điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất, chăn nuôi; dự kiến đến năm 2021 mới hoàn thành giai đoạn kiến thiết và bắt đầu phát huy hiệu quả cho doanh nghiệp và địa phương!

Thiết nghĩ, từ thực trạng dây dưa, kéo dài trong việc GPMB và triển khai Dự án đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc hướng thịt tại huyện M’Đrắk, các cơ quan chức năng và địa phương cần rút kinh nghiệm cho những dự án khác. Cụ thể, khi lập phương án đền bù cần đo đạc, kiểm đếm cụ thể diện tích đất bị ảnh hưởng, cập nhật và áp dụng kịp thời các chính sách hỗ trợ để không phải điều chỉnh kinh phí dẫn đến bị động về nguồn vốn; công tác bàn giao đất ngoài thực địa cần thực hiện chính xác, chặt chẽ giữa nhà đầu tư và các đơn vị liên quan để tránh tình trạng bị xâm lấn, khó quản lý; bên cạnh đó, với diện tích GPMB lớn nên giải quyết thủ tục về thuê đất, chứng nhận quyền sử dụng đất cho những diện tích đã đền bù để nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức cuốn chiếu nhằm tránh tình trạng đất bị lấn chiếm.

Sau khi có kết luận của đoàn thanh tra liên ngành về những sai sót, vi phạm trong dự án trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ tham mưu cho tỉnh tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của UBND huyện M’Đrắk từ năm 2009 đến 2015, Hội đồng bồi thường GPMB và các tổ chức, cá nhân liên quan; đồng thời, giao UBND huyện M’Đrắk tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc đối với các cá nhân, tổ chức để xảy ra sai sót. Bên cạnh đó, tỉnh yêu cầu UBND huyện M’Đrắk và các đơn vị liên quan rà soát, kiểm tra diện tích đất bị lấn chiếm để thu hồi và bàn giao cho nhà đầu tư…

                                          Minh Thông

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.