Multimedia Đọc Báo in

Xã vùng biên Ea Bung ưu tiên phát triển kinh tế trong xây dựng nông thôn mới

08:59, 15/06/2018

Ea Bung là xã vùng biên của huyện huyện biên giới Ea Súp, đời sống  của người dân còn nhiều khó khăn. Để tạo sự chuyển biến tích cực trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, chính quyền và nhân dân địa phương đã tập trung nguồn lực thực hiện các tiêu chí về  kinh tế.

Cụ thể, xã dồn mọi nguồn lực từ các chương trình giảm nghèo bền vững, phòng chống thiên tai, khuyến nông… để đầu tư, sửa chữa hệ thống kênh mương thủy lợi, đường giao thông nông thôn, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Điển hình như xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu lớn về lúa, xoài chất lượng cao, rau an toàn, nuôi cá truyền thống; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa lai, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn; cứng hóa tuyến đường giữa thôn 2 và thôn 3, thôn 7 và thôn 8; bê tông hóa trên 8.000 m tuyến kênh N1-9, N9, N10… để chủ động nguồn nước tưới cho 70% diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Các vùng chuyên canh cây xoài (100 ha), rau xanh (30 ha), lúa... từng bước được định hình, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho trên 75% người lao động địa phương. Năm 2017, mức thu nhập bình quân của người dân đạt 25,7 triệu đồng (bằng 75% kế hoạch đến năm 2020).

Tuyến đường trung tâm xã Ea Bung được cứng hóa, thuận tiện cho việc giao thương hàng hóa.
Tuyến đường trung tâm xã Ea Bung được cứng hóa, thuận tiện cho việc giao thương hàng hóa.

Theo thống kê của UBND xã, đến thời điểm này toàn xã đạt 10/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới gồm quy hoạch, điện, chợ nông thôn, nhà ở dân cư, lao động có việc làm thường xuyên, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, hệ thống chính trị, quốc phòng - an ninh. Để cán đích nông thôn mới vào năm 2020, Ea Bung đang tập trung thực hiện tiêu chí thủy lợi, tổ chức sản xuất và cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, phấn đấu  đạt  13 tiêu chí vào cuối năm  nay. Ông Bùi Đức Hạnh, Chủ tịch UBND xã Ea Bung chia sẻ, là xã vùng sâu vùng xa, người dân chủ yếu sinh sống dựa vào nông nghiệp, điểm xuất phát rất thấp nên những kết quả đạt được từ chương trình tạo sự chuyển biến rất tích cực. Sau hơn 7 năm triển khai chương trình, không chỉ diện mạo đường làng ngõ xóm khang trang, sạch đẹp hơn mà tâm thế sản xuất, sinh hoạt của người dân cũng được nâng cao. Người dân hiện nay có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường thôn xóm hơn, sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư từng bước được nâng cao, góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.

Nhà văn hóa thôn 2 được sửa chữa khang trang nhờ sự đóng góp của người dân.
Nhà văn hóa thôn 2 được sửa chữa khang trang nhờ sự đóng góp của người dân.

Tuy nhiên, hiện nay Ea Bung vẫn còn nhiều khó khăn do sự tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp – ngành nghề chính của người dân, nhiều công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng do thiên tai, người dân còn gặp khó về vốn đầu tư sản xuất… Do đó, để đạt kế hoạch đề ra thì Ea Bung cần có sự hỗ trợ nguồn lực hơn nữa để bê tông hóa hệ thống kênh mương thủy lợi cung cấp nước tưới, sinh hoạt cho người dân; cứng hóa các tuyến đường giao thông huyết mạch tại trung tâm xã, thôn, đường liên huyện, liên xã… Đặc biệt là nguồn kinh phí hỗ trợ tương ứng, giúp người dân địa phương hình thành HTX sản xuất nông nghiệp, từ đó phát triển thành từng chuỗi nông sản chủ lực cho địa phương như lúa, xoài, rau an toàn… cung cấp nguồn thực phẩm chất lượng cho người dân trên địa bàn huyện.

UBND huyện Ea Súp cho biết, năm 2018 xã Ea Bung được phân bổ hơn 4,85 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất; trong đó,  1,5 tỷ đồng từ Chương trình giảm nghèo bền vững, 3,35 tỷ đồng từ Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.