Multimedia Đọc Báo in

Triển vọng từ mô hình bưởi da xanh, ruột hồng, không hạt tại TP. Buôn Ma Thuột

08:48, 20/06/2018

Cách đây hai năm, khu vườn hơn 6 sào tại tổ dân phố 6, phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) của gia đình chị Nguyễn Thị Vân (thường gọi là Hương) từng là mô hình trồng hoa cúc và hoa hồng mang lại hiệu quả kinh tế cao được nhiều nông dân tìm đến tham quan, học tập.

Tuy nhiên, không bằng lòng với những gì đạt được, chị Vân muốn tìm hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật để gia tăng giá trị sản phẩm. Đầu năm 2016, chị Vân đến tận tỉnh Tiền Giang để tìm hiểu, nghiên cứu cặn kẽ về các giống bưởi, cam sành và quýt đường…; tiếp cận vị ngọt “tận gốc” của các giống cây này. Chị mạnh dạn mang giống bưởi da xanh, ruột hồng, không hạt về trồng tại vườn với mật độ khoảng 650 cây/ha. Với kỹ thuật tác động dinh dưỡng chủ yếu là dùng phân hữu cơ (hạn chế tối đa phân vô cơ), sau tám tháng bưởi đã hoa. Lứa đầu tiên chị ngắt bỏ toàn bộ hoa, chỉ chừa lại vài quả để đánh giá chất lượng. Như mong ước của chị, vùng sinh thái (đất đai, khí hậu) tại Buôn Ma Thuột cùng với kỹ thuật tác động đã mang lại sản phẩm bưởi da xanh không hạt có chất lượng cao hơn so với giống bưởi da xanh được trồng ở một số vùng miền khác.

Chị Vân trong vườn bưởi da xanh của gia đình.
Chị Vân trong vườn bưởi da xanh của gia đình.

Đến nay vườn cây đã trĩu quả, chị Vân ước tính với bình quân mỗi cây cho 30 quả (thu bói), mỗi quả khoảng 1,7 kg, giá bán bình quân 50.000 đồng/kg thì mỗi cây sẽ cho thu nhập 2,55 triệu đồng/vụ, tức là hơn 1,6 tỷ đồng/ha. Tuy nhiên, để khẳng định giá trị của sản phẩm bưởi da xanh Buôn Ma Thuột trên thị trường, chị Vân đang tiến tới xây dựng chứng nhận VietGAP.

Bên cạnh mô hình bưởi da xanh ruột hồng, không hạt, gia đình chị Vân còn trồng hơn 4 ha quýt đường và cam sành trên đồi gần nhà, đang thời kỳ ra quả.

Đây là các loại cây ăn quả có giá trị đầu tư ban đầu tương đối lớn nên chị Vân cũng hết sức thận trọng trong quá trình đánh giá về hiệu quả trước khi quyết định chuyển đổi từ sản xuất các loại hoa (đang thu nhập ổn định) sang trồng bưởi da xanh ruột hồng không hạt. Chị đã kiểm nghiệm về đất đai, dinh dưỡng; tìm hiểu sự thích nghi của vùng tiểu khí hậu đối với giống cây này; nghiên cứu về quy trình kỹ thuật tác động; dự kiến sơ bộ về thị trường và sự kết nối chuỗi giá trị… mới đi đến quyết định phát triển sản xuất.

Có thể nói, nhờ sự đánh giá kỹ lưỡng và giá trị hiện tại của các loại trái cây như bưởi da xanh, cam sành, quýt đường, mô hình cây ăn quả của gia đình chị Vân đang mở ra triển vọng rất lớn cho hiệu quả kinh tế cao.

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.