Multimedia Đọc Báo in

Nhóm leg giúp người dân giảm nghèo bền vững

07:57, 10/06/2018

Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, mỗi người một kiểu là một trong những yếu tố cản trở phát triển nông nghiệp. Việc hình thành các tiểu dự án sinh kế (gọi tắt là nhóm leg) để hỗ trợ các hộ nghèo phát triển sản xuất của Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Đắk Lắk là một cách làm hiệu quả giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Đắk Lắk chỉ hoạt động trong vòng 5 năm (2014 - 2019) với tổng số vốn  29,5 triệu USD do ngân sách nhà nước và vốn vay ODA  của Ngân hàng Thế giới với mục tiêu hỗ trợ người dân phát triển sinh kế, nắm bắt, vận dụng tốt các kiến thức kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời tìm kiếm và phát triển thị trường khi có sản phẩm. Theo số liệu thống kê mới nhất, tại tỉnh Đắk Lắk đã hình thành 802 nhóm leg, với khoảng 10.000 hộ nghèo, cận nghèo đang tham gia vào các mô hình trồng trọt, chăn nuôi như: lúa, ngô, dứa, mía, khoai lang, điều, cây ăn quả, chăn nuôi heo, gà, dê, bò…

Được biết, khi tham gia Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Đắk Lắk người dân sẽ được hỗ trợ các điều kiện cơ bản để phát triển sản xuất như: giống, vật tư, tập huấn kỹ thuật… Tuy nhiên, đó chỉ là một phần hỗ trợ ban đầu, mục tiêu quan trọng hơn là giúp người nghèo biết cách tổ chức sản xuất, đầu tư hợp lý và biết tích lũy để dự phòng rủi ro sau những đầu tư ban đầu của Dự án.

Hướng dẫn viên cộng đồng (bìa phải) giám sát tiểu dự án sinh kế nuôi heo ở xã Cư Đrăm  (huyện Krông Bông).
Hướng dẫn viên cộng đồng (bìa phải) giám sát tiểu dự án sinh kế nuôi heo ở xã Cư Đrăm (huyện Krông Bông).

Cách đây một năm, ông Bùi Đăng Sơn, ở thôn 3 (xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp) cũng như rất nhiều hộ nghèo ở trong thôn chỉ biết quanh quẩn với cây lúa, cây ngô nhưng từ khi tham gia nhóm leg trồng sả của Dự án và chỉ sau 3 tháng trồng, chăm sóc, cứ đều đặn 1,5 - 2 tháng ông lại thu hoạch 1 lần, trung bình mỗi lần ông Sơn có thêm khoảng 3 triệu đồng từ trồng sả. Bên cạnh đó, nhờ được trưởng nhóm và cán bộ hỗ trợ cộng đồng hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lúa, cây ngô, nên năng suất của hai loại cây trồng này cao hơn trước. Quan trọng hơn sau thu hoạch thay vì bán đi và chi tiêu hết, ông Sơn đã biết dành dụm, tính toán đầu tư chăn nuôi thêm bò, heo thu nhập của gia đình ngày càng ổn định hơn.

Thực tế cho thấy nếu chỉ sau một vài lần tập huấn người dân khó có thể vận dụng các kiến thức vào sản xuất một cách hiệu quả. Do đó, việc có từ 1 đến 2 hộ có kinh nghiệm trong sản xuất cùng sinh hoạt không chỉ giúp người dân mạnh dạn trao đổi, thảo luận để lựa chọn trồng cây gì, nuôi con gì phù hợp mà còn phát huy vai trò, kinh nghiệm của các hộ khá ở địa phương.

Ông Dương Văn Páo, Trưởng nhóm leg thôn Yang Hăn (xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông) chia sẻ, là thành viên nhóm leg, ông cũng được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và hỗ trợ 3 con heo như các thành viên khác. Tuy nhiên, với vai trò trưởng nhóm, ông có trách nhiệm phối hợp với cán bộ hỗ trợ cộng đồng điều hành hoạt động nhóm. Và vốn có kinh nghiệm trước đó kết hợp với những kiến thức được Dự án trang bị nên sau những buổi tập huấn ông Páo đã hỗ trợ, dìu dắt 14 thành viên trong nhóm duy trì nuôi heo khá ổn định, tình làng nghĩa xóm cũng thắt chặt hơn.

Nhờ sự hỗ trợ của Dự án, nhiều nông dân ở xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp) đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng hiệu quả.
Nhờ sự hỗ trợ của Dự án, nhiều nông dân ở xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp) đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Đắk Lắk, qua 4 năm triển khai Dự án tại 5 huyện: Krông Bông, Lắk, M’Đrắk, Buôn Đôn và Ea Súp đã có hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo tham gia đã thay đổi tư duy, chủ động trong sản xuất. Những hỗ trợ phù hợp, những tiểu dự án sản xuất hiệu quả cùng với những gợi ý, hướng dẫn người nghèo xây dựng mục tiêu, kế hoạch trong sản xuất và đời sống là nền tảng mà Dự án đã trang bị cho người dân trên hành trình thoát nghèo bền vững. Đồng thời cũng là cơ sở để các địa phương tiếp tục phát triển, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã sau này.

Khi tham gia Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Đắk Lắk, người dân không chỉ được hỗ trợ các điều kiện cơ bản để phát triển sản xuất, mục tiêu quan trọng hơn là giúp người nghèo biết cách tổ chức sản xuất, đầu tư hợp lý và biết tích lũy để dự phòng rủi ro sau những đầu tư ban đầu của Dự án.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.