Multimedia Đọc Báo in

Làm sao tránh được mùa, mất giá khoai lang?

09:10, 15/06/2018

Điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa đã quá quen thuộc đối với nông dân trên địa bàn tỉnh. Hết bí đỏ, chuối, thịt heo giờ lại đến khoai lang... giá rẻ như cho đến mức người dân bỏ ngoài đồng không thu hoạch.

Ai cũng biết nguyên nhân của tình trạng trên là do nguồn cung dư thừa. Nông dân sản xuất nhỏ lẻ, không theo quy hoạch, thị trường không ổn định, công nghệ chế biến sau khi thu hoạch chưa phát triển...

Vụ đông xuân 2016-2017, nhiều nông dân ở huyện Krông Bông thấp thỏm khi giá khoai lang xuống thấp. Đầu vụ thu hoạch (tháng 5-2017), thương lái thu mua khoai lang với giá từ 12-15 nghìn đồng/kg, nhưng đến tháng 7 - bước vào vụ thu hoạch rộ, giá rớt xuống chỉ còn 6 nghìn đồng/kg. Nhiều hộ dân trồng khoai lang ở xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông) ngậm ngùi cho biết, với mức giá này cho dù mỗi héc-ta khoai lang đạt năng suất khoảng 17 tấn… vẫn thua lỗ từ 40-50 triệu đồng/ha.

Nông dân xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana) thu hoạch khoai lang. Ảnh: Khả Lê
Nông dân xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana) thu hoạch khoai lang. Ảnh: Khả Lê

Câu chuyện về giá khoai lang ở huyện Krông Bông năm ngoái vẫn chưa hết “nóng”, thì vụ sản xuất năm nay toàn tỉnh vẫn trồng cả nghìn héc-ta khoai lang. Và thêm một lần nữa vào thời điểm thu hoạch rộ, giá khoai lang lại “lao dốc không phanh” và lần này giá “chạm đáy” trong 5 năm vừa qua. Tại xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana) hàng chục héc-ta khoai lang quá thời gian thu hoạch nhưng nông dân và kể cả thương lái vẫn “đắng lòng” để khoai thối ngoài đồng do giá xuống quá thấp. Thiệt hại đã được giảm thiểu, khi nhiều nông dân ở xã Dur Kmăl nhận thấy sự phập phù về giá của loại cây trồng này nên chỉ xuống giống 110 ha (thay vì 210 ha như kế hoạch).

 Xung quanh câu chuyện về khoai lang, ông Lê Thanh Chương, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông cho rằng, đơn vị đã khuyến cáo bà con nông dân cần chủ động trong sản xuất, gắn với quy hoạch của địa phương, không nên ồ ạt mở rộng diện tích trong khi giá cả không ổn định. Trong khi đó, một lãnh đạo Phòng NN-PTNT huyện Krông Ana lại cho rằng: “Hiện đang vào giai đoạn cuối vụ, cả huyện chỉ còn khoảng 15 ha khoai lang trong tổng số 339 ha khoai lang (giảm hơn 100 ha so với năm ngoái) chưa thu hoạch. Với giá thu mua tại ruộng 4.000 đồng/kg, nông dân vẫn đang có lời?! Không có chuyện người dân phải bỏ khoai ngoài đồng, không thu hoạch do giá cả  xuống thấp, chỉ có khoai thối thì phải bỏ”.

Chuyện nông dân bỏ khoai lang ngoài đồng không thu hoạch do giá cả xuống thấp ở xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana) đang diễn ra. Rõ ràng sản xuất khoai lang đang đối diện với nhiều rủi ro, nhiều nông dân bị thiệt hại… vì khoai. Việc người dân ồ ạt trồng khoai lang tự phát, không tính đến khả năng tiêu thụ đã dẫn đến tình trạng rớt giá thê thảm, khó tiêu thụ như hiện nay là bài học không mới. Tuy nhiên, qua đây ngành Nông nghiệp cũng cần phải thấy những tồn tại trong khâu quản lý, định hướng sản xuất và quy hoạch phát triển gắn với nhu cầu của thị trường để sớm có phương án, chính sách tạo điều kiện cho người nông dân an tâm đầu tư sản xuất và có hướng phát triển nông nghiệp bền vững.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.