Multimedia Đọc Báo in

Không nhận chế độ hộ nghèo, tự lực vươn lên làm giàu

09:38, 19/06/2018

Năm 1978, vừa tròn 18 tuổi, theo tiếng gọi Tổ quốc, bà Nguyễn Thị Hiến từ quê hương Bắc Ninh tình nguyện tham gia lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) làm nhiệm vụ tiếp lương thực và tải đạn cho bộ đội tại biên giới Tây Bắc.

Sau 2 năm hoàn thành nghĩa vụ, bà trở về quê làm nông nghiệp. Năm 1999, bà theo chồng vào thôn 10, xã Ea Pil (huyện M’Đrắk) lập nghiệp và từng bước xây dựng đời sống kinh tế ổn định với thu nhập trên 800 triệu đồng mỗi năm.

Nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp, gia đình bà Hiến gặp nhiều khó khăn: thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất, các con nhỏ thường xuyên đau ốm, kinh tế không có gì. Lúc bấy giờ, gia đình bà được thôn bình xét vào diện hộ nghèo. Song vợ chồng bà Hiến tự xin rút ra khỏi danh sách hộ nghèo của thôn, bắt tay vào sản xuất, quyết tâm tìm hướng đi trong phát triển kinh tế vườn – ao – chuồng (VAC). Lúc đầu gia đình bà trồng cây ngắn ngày, chăn nuôi nhỏ lẻ lấy ngắn nuôi dài, tích lũy vốn đầu tư mua thêm đất rẫy mở rộng diện tích sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Hiến trong vườn vải của gia đình.
Bà Nguyễn Thị Hiến trong vườn vải của gia đình.

Năm 2001, gia đình bà Hiến mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi gà đệm lót sinh học kết hợp thả vườn. Chân ướt chân ráo vào nghề, vợ chồng bà tự tìm hiểu những người đi trước rồi học hỏi dần dần. Sau khi tham khảo thị trường, kết hợp lợi thế đất sản xuất rộng, bà quyết định chọn giống gà thả vườn BT2 bởi giống này sinh trưởng tốt, có khả năng chống bệnh tật cao. Ban đầu, bà nuôi thử nghiệm chỉ chừng vài trăm con, hiện tại thì trang trại của bà nuôi bình quân từ 2.000 - 4.000 con/lứa, cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Thông thường sau 3 tháng nuôi, gà đạt khoảng 2 kg/con, với giá trung bình 60.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình bà có lãi trên 200 triệu đồng/năm.

Thành công nối tiếp thành công, năm 2011 bà Hiến bàn với chồng vay thêm vốn đầu tư trồng 300 gốc vải U Hồng và 200 gốc nhãn Hương Chi, đào hơn 1 sào ao thả cá và lấy nước tưới cho cây trồng. Mặc dù chỉ tiếp cận với cây vải và cây nhãn trong thời gian ngắn nhưng bằng quyết tâm và tinh thần học hỏi, vợ chồng bà Hiến đã nắm vững phương thức canh tác cây vải, nhãn trên đất kém dinh dưỡng, áp dụng kỹ thuật điều khiển nhịp sinh trưởng của cây để phù hợp với thời tiết vùng Tây Nguyên. Mùa vụ năm 2017, với 200 gốc vải và 150 gốc nhãn kinh doanh, gia đình bà Hiến thu hoạch hơn 15 tấn quả, được thương lái mua tại vườn với giá 30.000 đồng/kg nhãn và 40.000 đồng/kg vải, trừ chi phí, gia đình bà thu lãi hàng trăm triệu đồng. Gia đình bà Hiến còn tạo việc làm thời vụ cho 5 lao động, với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng.

Với mô hình kinh tế VAC khép kín, mỗi năm gia đình bà Hiến có thu nhập trên 800 triệu đồng, sau khi trừ chi phí và tái đầu tư sản xuất có lãi 300 triệu đồng/năm. Thu nhập ổn định, gia đình bà đã xây dựng nhà ở khang trang, mua sắm nhiều tiện nghi sinh hoạt gia đình và hỗ trợ cho các con lập nghiệp riêng.

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.