Multimedia Đọc Báo in

Dấu ấn ngoại giao trong hợp tác kinh tế, thu hút đầu tư

09:36, 19/06/2018

Trong những năm qua, với việc không ngừng thúc đẩy các hoạt động ngoại giao, công tác đối ngoại của tỉnh đã góp phần thắt chặt quan hệ hữu nghị, đẩy mạnh phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, tạo chuyển biến mạnh mẽ cho tiến trình hội nhập toàn diện của địa phương.

Gắn kết tình hữu nghị, phát triển quan hệ hợp tác

Theo Sở Ngoại vụ, giai đoạn 2016-2018, 659 đoàn khách quốc tế, 1.781 người đã đến thăm và làm việc với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và dự án trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Lễ hội Cà phê lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 có 61 đoàn khách từ các Đại sứ quán, các Tổng lãnh sự quán, tổ chức quốc tế, địa phương thuộc các nước: Rumani, Slovakia, Hoa Kỳ, Ba Lan, Trung Quốc, Colombia, Israel, Brazil, Hàn Quốc, Úc, Indonesia, Philipines, Lào, Campuchia... đến tham dự. Bên cạnh đó, trong dịp hoạt động kỷ niệm “Năm hữu nghị Việt Nam - Campuchia” và “Việt Nam - Lào 2017”, tỉnh cũng đã đón các đoàn của 4 tỉnh Nam Lào và tỉnh Mondulkiri (Campuchia) đến thăm và tìm hiểu cơ hội đầu tư. Hoạt động đối ngoại tập trung vào việc xây dựng, thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác với các địa phương trên thế giới; xúc tiến, tiếp nhận các dự án ODA và NGO do chính phủ và các tổ chức quốc tế hỗ trợ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản, tạo tiền đề cho quá trình xây dựng và phát triển của địa phương. Đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã có quan hệ hợp tác chính thức với tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia), tỉnh Chămpasắk, Sê Kông, Attapư, Lalavan (4 tỉnh phía Nam của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) và tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc). Đơn cử như, sau khi 2 tỉnh ký kết bản ghi nhớ hợp tác vào năm 2014, quan hệ hợp tác với Mundulkiri đã được thúc đẩy phát triển toàn diện. Về kinh tế,  thông qua các biên bản ghi nhớ, ngành Nông nghiệp 2 tỉnh thường xuyên có những trao đổi, xúc tiến đầu tư, hợp tác phát triển nông nghiệp. 

Đoàn chuyên gia Trường Đại học Victoria, thành phố Melbourne (Úc) tham quan Trường Hoàng Việt (TP. Buôn Ma Thuột).
Đoàn chuyên gia Trường Đại học Victoria, thành phố Melbourne (Úc) tham quan Trường Hoàng Việt (TP. Buôn Ma Thuột).

 

Để thúc đẩy hợp tác và liên kết kinh tế trên bình diện toàn cầu cũng như khu vực, tỉnh đang kiến nghị, đề xuất với Bộ Ngoại giao tiếp tục hỗ trợ tỉnh trong các chương trình xúc tiến thương mại ngoài nước, tham gia vào các hoạt động xúc tiến thương mại vào các thị trường tiềm năng. Đặc biệt là tiếp cận các doanh nghiệp của Úc để đưa sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của tỉnh (cà phê, tiêu, bơ) đến được với thị trường này. 

Trong đó, đáng chú ý là Dự án phát triển cao su với tổng vốn 19,87 triệu USD, quy mô 2.000 ha do Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk đầu tư, đã góp phần giải quyết việc làm, cải thiện sinh kế cho người dân ở tỉnh bạn. Bên cạnh đó, giữa 2 tỉnh thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, truy quét ngăn chặn tình trạng khai thác, mua bán gỗ, lâm sản trái phép, tăng cường hợp tác bảo vệ rừng, động vật hoang dã tại các vùng giáp ranh khu vực biên giới… Mới đây, tháng 12-2017, tỉnh đã ký bản ghi nhớ hợp tác với tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc) chính thức thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa 2 bên  trên một số lĩnh vực như: đầu tư, thương mại, nông nghiệp, giáo dục, văn hóa…

Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế

Theo đánh giá của Sở Ngoại vụ, việc triển khai Nghị quyết số 22-NQ/TW,  ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế; Chỉ thị số 41-CT/TW, ngày 15-4-2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác ngoại giao kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước một cách tập trung, nhạy bén đã giúp tỉnh tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài phục vụ quá trình phát triển. Bên cạnh đó, với tiềm năng phong phú, cơ sở hạ tầng đang được quan tâm đầu tư, Đắk Lắk đã và đang trở thành một địa chỉ đáng tin cậy, điểm đến hấp dẫn của các đoàn khách quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài.

Đoàn công tác của tỉnh trong chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản năm 2017.
Đoàn công tác của tỉnh trong chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản năm 2017.

Những hoạt động kinh tế đối ngoại năng động và hiệu quả nêu trên đã góp phần thu hút thêm nhiều dự án đầu tư nước ngoài vào tỉnh. Giai đoạn 2016-2018, tỉnh đã cấp phép cho 4 dự án FDI mới, với tổng vốn đầu tư 51,63 triệu USD, nâng tổng số dự án FDI trên địa bàn tỉnh lên 13 dự án, với tổng vốn đầu tư trên 174 triệu USD.  Đối với công tác vận động tài trợ, tỉnh đã chủ động tổ chức đoàn đi làm việc với Cơ quan phát triển của Pháp (AFD), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Qua đó KOICA đồng ý tài trợ Dự án nâng cao hiệu quả công trình cấp nước thị xã Buôn Hồ, ADB tài trợ cho Dự án Hỗ trợ phát triển khu vực biên giới và Dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh bị hạn hán. Ngoài ra, tỉnh đã có công văn đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư vận động nguồn vốn ODA cho Dự án Nâng cấp Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Dự án đầu tư trang thiết bị y tế Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Bên cạnh đó, thông qua nhiều kênh thông tin chính thống như Thông tấn xã Việt Nam và tranh thủ hãng thông tấn, báo chí quốc tế, việc giới thiệu cơ hội đầu tư, tiềm năng, chính sách ưu đãi của tỉnh đến các doanh nghiệp nước ngoài hiệu quả hơn. Nhờ đó, việc quản lý và tiếp nhận sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ cũng có nhiều thuận lợi. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã vận động 30 khoản viện trợ với trên 4,5 triệu USD từ các nhà tài trợ nước ngoài trong các lĩnh vực: giáo dục, y tế, nước sạch nông thôn…

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.