Multimedia Đọc Báo in

Bán lẻ truyền thống trước sự cạnh tranh khốc liệt

06:57, 09/06/2018

sự phát triển mạnh mẽ của các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trong thời gian gần đây đã “đẩy” kênh bán lẻ truyền thống vào thế cạnh tranh khốc liệt, buộc phải tự làm mới mình để tồn tại.

Kênh mua sắm hiện đại phát triển mạnh

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 7 siêu thị và 2 trung tâm thương mại, trong đó có sự góp mặt của các “ông lớn” như Vinmart (Tập đoàn VinGroup), Co.opmart, Mega Martket Buôn Ma Thuột... Người tiêu dùng địa phương đã không còn xa lạ với việc đi mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại bởi sự tiện lợi và không gian thoáng mát, sạch sẽ. Sự bùng nổ của các kênh phân phối này đã làm giảm sức mua ở chợ do khách hàng đang bị chia sẻ.

Trên đà đó, nhiều đơn vị trong ngành bán lẻ hiện đại tiếp tục lên kế hoạch phát triển mạnh mẽ hơn nữa hệ thống phân phối của mình và đầu tư một cách bài bản. Theo thông tin từ Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột, trong 2 năm 2018 - 2019, Co.opmart Buôn Ma Thuột dự kiến sẽ mở thêm hai hệ thống siêu thị bán lẻ tại thị xã Buôn Hồ và huyện Cư M’gar. Các kênh phân phối hiện đại đang thực sự là “đối thủ” đáng gờm của các chợ truyền thống.

Khách mua hàng tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột.
Khách mua hàng tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột.

Trong khi đó, theo số liệu của Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao, nếu năm 2016 tỷ lệ người tiêu dùng chọn mua sản phẩm ở chợ truyền thống là 31%, thì năm 2017 giảm còn 11% và hiện nay còn 10%. Các tiệm tạp hóa nhỏ lẻ cũng đang có xu hướng giảm, từ 17% trong năm 2017 giảm xuống 9% trong năm 2018. Trong dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 vừa qua, tại các siêu thị trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, sức mua của người dân tăng cao hơn gấp 2,5 lần so với ngày thường. Cao điểm có siêu thị mỗi ngày đón 7.000 - 8.000 lượt khách đến mua sắm, doanh số bán ra đạt trên 2 tỷ đồng/ngày. Trong khi đó, lượng khách đến chợ có đông đúc hơn so với ngày thường, nhưng sức mua cũng chỉ tăng ở một số ngành hàng như thực phẩm, quần áo…

Tự “làm mới” để tồn tại

Từ lâu đời, đến chợ để mua hàng hóa đã trở thành thói quen, nếp nghĩ in sâu vào tâm trí của người dân. Tuy nhiên gần 10 năm trở lại đây, khi mà hệ thống bán lẻ hiện đại đổ bộ, thực tế cho thấy chợ truyền thống có những bất cập đòi hỏi sớm được thay đổi, khắc phục.

Người tiêu dùng mua thực phẩm tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột.
Người tiêu dùng mua thực phẩm tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột.

Là địa phương tập trung giao thương, buôn bán, TP. Buôn Ma Thuột có số lượng chợ nhiều nhất và một số chợ được đầu tư quy mô, bài bản nhưng hiện nay cũng phải thay đổi để tồn tại, thu hút khách về phía mình. Theo Phòng Kinh tế TP. Buôn Ma Thuột, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố có 26 chợ theo quy hoạch. Hiện các chợ đang hoạt động bình thường, phục vụ nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân địa phương. Tuy nhiên, nhiều chợ đã xuống cấp nghiêm trọng cần được đầu tư, xây dựng mới và nâng cấp lại như chợ Ea Tam, Tân An.

Năm 2016 tỷ lệ người tiêu dùng chọn mua sản phẩm ở chợ truyền thống là 31%, năm 2017 giảm còn 11% và hiện nay còn 10%. Các tiệm tạp hóa nhỏ lẻ cũng đang có xu hướng giảm, từ 17% trong năm 2017 giảm xuống 9% trong năm 2018.

Ngoài việc xuống cấp, tình trạng chợ xây mới nhưng hoạt động không hiệu quả cũng diễn ra. Một số chợ rơi vào cảnh ế ẩm, kinh doanh không hiệu quả dù đã được đầu tư tu sửa, xây mới một số hạng mục nhưng không phù hợp khiến khó cạnh tranh được với kênh bán lẻ khác. Đơn cử như chợ Thành Nhất (phường Thành Nhất) được UBND tỉnh giao đất xây chợ từ năm 2001, UBND phường cũng đã xây dựng nhà lồng và giao đất cho 24 hộ xây dựng ki-ốt, nhưng chỉ có 19 hộ xây ki-ốt. Song, các hộ kinh doanh ở chợ rất khó khăn, nhiều hộ kinh doanh tràn ra các con đường xung quanh chợ buôn bán khiến nhà lồng chợ chưa phát huy hiệu quả.

Để hoạt động buôn bán tại các chợ truyền thống ổn định và phát triển, giới tiểu thương còn buộc phải tự làm mới từ khâu tổ chức kinh doanh đến những cam kết về chất lượng, giá bán với người tiêu dùng. Đặc biệt, vấn đề an toàn thực phẩm ở chợ phải được đề cao hơn nữa. Ngoài ra, thái độ mời chào, thói quen bán hàng văn minh như: không “hét” giá “trên trời”, chèo kéo khách... cũng phải được tiểu thương tiếp cận và áp dụng để giữ chân khách hàng, cải thiện sức mua ở chợ truyền thống.

 Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.