Multimedia Đọc Báo in

Bí đỏ rớt giá, nông dân Cư Yang lao đao

08:35, 14/05/2018

Những ngày này, nhiều hộ dân trồng bí đỏ trên địa bàn xã Cư Yang (Ea Kar) đang lâm vào cảnh khốn đốn vì giá bí xuống thấp. Không ít hộ dân chỉ thu bán cầm chừng chờ giá lên mới thu hoạch.      

Gia đình chị Hà Thị Lý (thôn 1) có 7 sào bí đỏ, ước tính sản lượng năm nay đạt hơn 22 tấn, tuy nhiên với giá bán hiện tại ở mức 1.500 đồng - 1.700 đồng/kg thì chỉ huề vốn. “Vụ mùa năm ngoái giá bí cũng thấp như bây giờ nhưng may mắn hơn nhờ có các bạn trong Đoàn Thanh niên xã giúp “giải cứu” nên gia đình tôi vẫn lãi hơn được 10 triệu đồng, còn năm nay vừa mất mùa vừa bị thương lái ép giá nên cầm chắc thua lỗ ”, chị Lý rầu rĩ cho hay.

Tương tự, gia đình anh Nguyễn Văn Huỳnh (thôn 2) chi hơn 30 triệu đồng mua giống bí đỏ da trơn, thuê xe cày xới đất, phân bón... trồng trên diện tích hơn 1 ha. Bình thường cùng thời điểm này mọi năm, gia đình anh đã bán hết bí nhưng vụ mùa này chỉ thu bán cầm chừng dù ruộng bí đã chín đỏ vì cố chờ xem thử giá có tăng thêm nữa không. Theo tính toán của anh Huỳnh thì các năm trước 1 ha bí đạt sản lượng khoảng 30 tấn, cho thu nhập trên 100 triệu đồng, với giá bán dao động đầu mùa từ 6.000 đồng - 7.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến hơn 8.000 đồng/kg, cuối mùa thương lái ép giá xuống còn 1.700 đồng - 2.500 đồng thì nông dân vẫn có lời. Còn với tình hình như hiện nay đành ngậm ngùi chấp nhận bán giá thấp, thậm chí 800 đồng - 1.000 đồng/kg cũng phải bán nếu không muốn nhìn bí rục khi mưa xuống.

Ruộng bí  chín đỏ chưa thu hoạch của gia đình anh Nguyễn Văn Huỳnh.
Ruộng bí chín đỏ chưa thu hoạch của gia đình anh Nguyễn Văn Huỳnh.

Dọc tuyến đường vào xã Cư Yang, các điểm tập kết bí của nông dân chất cao chờ thương lái đến bốc. Trên các cánh đồng bí chín đỏ cả một vùng nhưng nhiều hộ chưa dám thu. Thậm chí để tiết kiệm tiền thuê người bẻ bí, người dân chủ động đổi công cho nhau. Theo nhiều người dân trồng bí tại xã Cư Yang, thương lái thu mua theo giá sô chứ không phân loại như nhiều năm trước. Tính ra, trừ hết công chăm sóc, bón tưới… người trồng lãi được một ít hoặc huề vốn. Dù biết vậy nhưng nhiều hộ vẫn chấp nhận vì nếu không trồng bí, họ không biết phải trồng cây gì để duy trì kinh tế gia đình.

Anh Nguyễn Văn Hậu, cán bộ địa chính kiêm khuyến nông xã Cư Yang cho biết: Hiện tại diện tích trồng bí đỏ trên địa bàn xã lên đến hơn 100 ha chủ yếu tập trung ở thôn 4 và thôn 7. Các năm trước thấy bà con trồng bí được giá, thu lãi nhiều nên nhiều hộ dân đua nhau trồng theo. Năm 2017, theo kế hoạch xã được giao phát triển bí trên diện tích 38 ha, còn năm nay không có chỉ tiêu. Ngành nông nghiệp huyện phối hợp với chính quyền xã khuyến cáo người dân không nên phát triển cây bí mà chuyển sang trồng các loại hoa màu khác.

 Chị Hà Thị Lý chất bí trước nhà chờ thương lái đến cân mua.
Chị Hà Thị Lý chất bí trước nhà chờ thương lái đến cân mua.

Theo ông Hồ Tấn Cư, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Ea Kar, người dân trồng bí đỏ chủ yếu tập trung ở 2 xã Cư Yang và Cư Bông. Để tránh tình trạng bí thu hoạch về bán không được phải nhờ doanh nghiệp “giải cứu” như năm vừa rồi, trước vụ gieo trồng, UBND huyện đã tổ chức hội nghị nông nghiệp, trong đó có đề cập đến cây bí đỏ để người dân nắm được những rủi ro khi trồng tự phát, không theo quy hoạch dẫn đến cung vượt cầu. Nhờ vậy, năm nay diện tích bí đỏ trên địa bàn huyện giảm hẳn, từ vài trăm héc ta xuống còn 140 ha. Tuy nhiên, nguồn cung vẫn vượt cầu dẫn đến tình trạng mất giá đang diễn ra.

Djuang Niê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.