Multimedia Đọc Báo in

Hội Nông dân TP. Buôn Ma Thuột: Phát huy vai trò trong nhận ủy thác tín dụng

08:07, 10/01/2018

Nhận thức rõ tầm quan trọng của tín dụng chính sách, Hội Nông dân TP. Buôn Ma Thuột đã đẩy mạnh công tác nhận ủy thác vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, tạo điều kiện cho nhiều hội viên tiếp cận được nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Hội Nông dân TP. Buôn Ma Thuột đang quản lý 97 tổ tiết kiệm và vay vốn theo địa bàn dân cư với 3.263 thành viên. Tính đến tháng 12-2017, Hội Nông dân thành phố quản lý số dư nợ ủy thác gần 59 tỷ đồng của các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, giải quyết việc làm, học sinh – sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường. Mỗi tổ tiết kiệm và vay vốn bình quân có khoảng 40 người, dư nợ 23,56 triệu đồng/thành viên. Các tổ đã làm tốt công tác bình xét hộ vay, đôn đốc hộ vay trả lãi và gốc đúng hạn; đồng thời triển khai hoạt động tiết kiệm tự nguyện lên đến 98,6% thành viên tham gia. Tùy vào điều kiện, mỗi hội viên tham gia tiết kiệm từ 30.000 đồng/tháng trở lên. Đến tháng 12-2017, tổng số dư tiền gửi tiết kiệm tự nguyện của các thành viên thuộc các tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Nông dân thành phố quản lý đạt trên 3,868 tỷ đồng, bình quân mỗi thành viên là 1,2 triệu đồng. Số tiền gửi tiết kiệm này không chỉ được nhận lãi hằng tháng theo chính sách của ngân hàng mà còn giúp các tổ viên giảm dần số nợ gốc, giảm áp lực trả nợ vào cuối kỳ vay vốn.

Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, bà Phan Thị Nga (tổ dân phố 12, phường Tân An) đã đầu tư phát triển kinh tế gia đình.
Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, bà Phan Thị Nga (tổ dân phố 12, phường Tân An) đã đầu tư phát triển kinh tế gia đình.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp hơn các ngân hàng thương mại, cùng với chính sách trả lãi, trả gốc hợp lý ngày càng có nhiều hộ thuộc các nhóm đối tượng được vay mạnh dạn tham gia vay vốn, sử dụng hiệu quả nguồn vốn để nâng cao đời sống. Tiêu biểu như hộ ông Y Trinh Knul (buôn Kao, xã Ea Kao). Hai vợ chồng ông là lao động chính, gánh vác việc chăm sóc bố mẹ già yếu và 4 con nhỏ đang tuổi ăn học nên kinh tế rất khó khăn. Năm 2005, ông được vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để thuê đất trồng sắn, mía, bắp. Dần dần, ông đầu tư thêm nuôi bò, lợn, gà để tăng thu nhập. Nhờ chăm chỉ lao động, đến năm 2007, gia đình ông thoát nghèo và trả hết nợ cũ. Sau đó, ông mạnh dạn vay thêm 30 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ cận nghèo để mua máy cày phục vụ sản xuất của gia đình và cày thuê cho các hộ khác. Đến nay đã có thu nhập ổn định, gia đình ông hỗ trợ, giúp đỡ gần 10 hộ nghèo trong buôn phát triển sản xuất.

Hay như trường hợp bà Phan Thị Nga (tổ dân phố 12, phường Tân An) có 6 sào đất liên kết nhưng do đất xấu, cà phê già cỗi nên thu nhập mỗi năm không đáng kể. Năm 2010, bà được vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 6,5%/tháng. Có vốn, bà đầu tư chăm sóc diện tích cà phê, xây dựng chuồng trại để nuôi heo nái và heo thịt. Mỗi năm, bà xuất chuồng khoảng 100 con heo, lợi nhuận hơn 150 triệu đồng, chưa kể thu nhập từ hơn 1 tấn cà phê. Bà Nga chia sẻ: “Sau khi trả xong đợt vay đầu tiên, năm 2016 tôi tiếp tục được vay 30 triệu đồng để phát triển kinh tế”. Không riêng hộ bà Nga, trên địa bàn phường Tân An còn có nhiều hộ nông dân được vay vốn và đã thoát nghèo như các ông, bà: Đỗ Văn Chung, Nguyễn Thị Hồng Hoa, Bùi Thị Nhiệm, Lê Thanh Vỹ....

 
“Thông qua công tác nhận ủy thác, Hội Nông dân các cấp của thành phố đã phát huy vai trò của tổ chức hội trong việc tập hợp, đoàn kết, hỗ trợ nông dân cũng như tăng cường chiều sâu của các hoạt động trong chương trình công tác hội...” – 
 
Ông Nguyễn Văn ViênPhó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Buôn Ma Thuột

Ông Nguyễn Văn Viên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Buôn Ma Thuột cho biết: Để đạt được kết quả này, hằng năm, đơn vị đã tập trung chỉ đạo Hội Nông dân các xã, phường làm tốt công tác nhận ủy thác cho vay vốn với Ngân hàng Chính sách xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình tín dụng nhận ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; chú trọng công tác quản lý nợ và thu hồi nợ. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với ngân hàng cũng như chính quyền địa phương để phân loại, đôn đốc thu nợ, lồng ghép tuyên truyền nâng cao ý thức của hội viên trong việc hoàn trả lãi và gốc vốn vay. Đến cuối năm 2017, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ còn chiếm 1,43% tổng dư nợ ủy thác qua Hội Nông dân. Trong đó, nhiều đơn vị có tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1%, có đơn vị không còn nợ quá hạn. Bên cạnh đó, Hội Nông dân thành phố cũng phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban chuyên môn tổ chức hội thảo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ vay vốn; xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả cho nông dân tham quan, trao đổi kinh nghiệm. Hằng năm, Hội Nông dân thành phố giới thiệu, tạo việc làm cho khoảng 1.500 lao động. Các hoạt động này đã tạo sức lan tỏa, thu hút hội viên, đặc biệt là hội viên thuộc diện nghèo, cận nghèo thực hiện chuyển đổi cây trồng vật nuôi, tiếp cận với sản xuất hàng hóa, sử dụng vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả. Nhiều hộ đã thoát nghèo, thoát cận nghèo, vươn lên khá giả...

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.