Multimedia Đọc Báo in

Nỗi lo thực phẩm thiếu an toàn ở chợ truyền thống

09:16, 04/12/2017

An toàn thực phẩm (ATTP) đang là vấn đề quan tâm của nhiều người, tình trạng vi phạm ở lĩnh vực này ngày càng gia tăng đặc biệt là tại các chợ truyền thống, đe dọa đến sức khỏe người tiêu dùng (NTD); song cơ quan chức năng liên quan lại chưa có biện pháp hữu hiệu để kiểm tra, kiểm soát và ngăn chặn tận gốc vấn đề này.

Ăn gì cũng thấy lo!

Mới đây nhất, thông tin sản phẩm dăm bông ở nhiều tỉnh, thành được làm từ thịt heo thối, thịt gà chết khiến NTD hoang mang. Riêng tại thị trường TP. Buôn Ma Thuột, dăm bông được bày bán phổ biến tại các chợ truyền thống. Mặt hàng này có màu trắng ngà, được đựng trong các túi ni lông hoặc hũ thủy tinh với vài thông tin sơ sài in trên tấm giấy nhỏ: tên cơ sở sản xuất, thành phần gia vị, hạn sử dụng (viết bằng bút bi khác màu), tuyệt nhiên không có địa chỉ sản xuất rõ ràng. Theo tìm hiểu được biết, thịt để làm ra dăm bông có giá 85.000 đồng/kg và cứ 2 kg thịt thì cho ra 1 kg dăm bông, trong khi sản phẩm này bán ra thị trường có giá khá rẻ, với 2 loại; 80.000-90.000 đồng/kg và 110.000 đồng/kg.

Thực phẩm tươi sống chợ  đầu mối Tân Hòa không được  che đậy, bảo quản.
Thực phẩm tươi sống chợ đầu mối Tân Hòa không được che đậy, bảo quản.

Tương tự, nhiều mặt hàng thực phẩm khô như tôm, mực khô, mực tẩm ướp, cá khô...  được bán tại các chợ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột được giới thiệu là đặc sản của nhiều vùng miền khác nhau, nhưng thay vì mỗi sản phẩm bày bán phải đóng bao bì, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng theo quy định thì hầu hết những loại thực phẩm này lại không hề có bao bì, nhãn mác. Vì thế, người mua khó biết được nơi sản xuất, hạn sử dụng, cách bảo quản... của sản phẩm. Không những thế, trên các sạp hàng, các loại hải sản khô cứ “phơi trần”, không che đậy và tiếp xúc tự do với gió, bụi, ruồi nhặng... gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Riêng với trái cây nhập ngoại, mặt hàng này được bày bán khá phổ biến tại chợ nhưng theo một tiểu thương tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột thì phần lớn là trái cây Trung Quốc. Ngoài ra, loại trái cây như nho, táo, lê… được tiểu thương giới thiệu là hàng của Mỹ, Thái Lan, Úc… nhưng không hề có bất cứ hóa đơn chứng từ, giấy tờ liên quan để chứng minh nguồn gốc của sản phẩm và không thông qua khâu kiểm tra, kiểm soát của bất kỳ cơ quan nào.

Thiếu kiểm soát

Theo ông Nguyễn Đào Chí, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh, hành vi vi phạm ATTP rất da dạng, từ kinh doanh thực phẩm nhập lậu, giả, không nguồn gốc, xuất xứ, quá hạn sử dụng đến thực phẩm chứa hóa chất, phụ gia cấm khiến việc kiểm soát không xuể, trong khi điều kiện trang bị công nghệ liên quan để phân tích, xét nghiệm ở địa phương còn thiếu nhiều. Do đó, đòi hỏi công tác thực hiện giám sát ATTP phải có sự phối hợp và quyết liệt từ các cấp, ngành liên quan.

Thực phẩm tươi sống chợ đầu mối Tân Hòa không được che đậy, bảo quản.
Thực phẩm tươi sống chợ đầu mối Tân Hòa không được che đậy, bảo quản.

Trên thực tế, cho đến thời điểm này thực phẩm mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn tràn lan tại các chợ và các cơ quan chức năng của tỉnh vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để phát hiện, ngăn chặn nhằm bảo vệ NTD cũng như bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính. Trong các đợt kiểm tra, kiểm soát hằng năm của ngành chức năng liên quan, hầu như chợ… bị “lãng quên” (!?) Còn đối với NTD thì để truy xuất nguồn gốc hàng hóa bán ra tại chợ là vô cùng khó! Tỉnh ta cũng từng xem xét đến vấn đề xây dựng mô hình chợ thí điểm ATTP nhằm giúp NTD địa phương tiếp cận với các sản phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng và khuyến khích tập thể, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh, nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai được.

Riêng về phía NTD, cần chú ý một số nguyên tắc chung khi mua sắm như ưu tiên chọn mua sản phẩm có bao gói, nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng, hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn... Ngoài ra, NTD cũng có thể tải miễn phí các ứng dụng QR scanner, QR code scanner…về chiếc điện thoại thông minh của mình để sử dụng mỗi khi mua hàng theo cách: mở ứng dụng trên điện thoại hướng camera vào khu vực có mã vạch trên bao bì sẽ cho ra các thông số liên quan như nguồn gốc, xuất xứ, thành phần, giá cả sản phẩm của mình muốn mua, như thế sẽ yên tâm hơn.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, riêng ở lĩnh vực kiểm tra ATTP từ đầu năm đến nay, qua kiểm tra 51 cơ sở, chi cục đã phát hiện và xử lý 44 vụ vi phạm, xử phạt hành chính 130 triệu đồng, tịch thu hàng chục ký bánh kẹo, phụ gia thực phẩm, sữa, dăm bông... hết hạn sử dụng, không nguồn gốc, xuất xứ. 

Thục Anh

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.