Multimedia Đọc Báo in

Triển vọng ở vùng nguyên liệu mía Ea Súp

09:34, 09/10/2017

Theo số liệu của Công ty cổ phần Mía đường Đắk Lắk, kết thúc niên vụ sản xuất 2015 - 2016, vùng nguyên liệu mía của đơn vị từ 5.000 ha giảm còn 3.700 ha, tương đương với giảm 30% so với niên vụ trước đó.

Nguyên nhân là do ở một số địa phương, người dân cảm thấy trồng mía không hiệu quả nên đã chuyển đổi sang các loại cây trồng khác. Trong khi đó, vùng mía nguyên liệu tại huyện Ea Súp vẫn luôn ổn định và ngày càng gia tăng về diện tích và sản lượng. 

Vùng mía nguyên liệu tại huyện Ea Súp được Công ty cổ phần Mía đường Đắk Lắk xây dựng từ năm 2008 với khởi đầu trồng khảo nghiệm 20 ha mía tại hai xã Ya Tờ Mốt và Cư M'lan. Qua một thời gian trồng cho thấy cây mía khá phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại địa bàn Ea Súp, chất lượng đường đạt cao. Để người nông dân gắn bó với cây mía, Công ty cổ phần Mía đường Đắk Lắk đã tạo điều kiện cho bà con vay 30 triệu đồng/ha, trong đó 20 triệu đồng tiền mặt và 10 triệu đồng tiền phân bón; đồng thời, ký giá hợp đồng bao tiêu sản phẩm, giá đường được tính theo thời điểm giá thu mua. Công ty cũng đã nâng dần giá thu mua mía nguyên liệu lên một cách hợp lý nhằm bảo đảm thu nhập ổn định và có thể làm giàu từ cây mía cho người nông dân.

Vùng mía nguyên liệu tại xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp).
Vùng mía nguyên liệu tại xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp).

Đến nay, có thể nói cây mía đang được xem là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Ea Súp. Diện tích, năng suất và sản lượng tăng đều qua các năm. Đến thời điểm này, toàn huyện đã có 3.000 ha mía nguyên liệu, tập trung chủ yếu tại các xã Ya Tờ Mốt, Ea Bung và Cư M'lan; những giống mía được nông dân lựa chọn canh tác là  KK3, KK6, LK, K95 – 156, năng suất ước đạt bình quân từ 6,5 - 7,5 tấn/ha. Với giá thu mua ổn định như các mùa vụ trước từ 900.000 - 930.000đ/tấn thì sau khi trừ toàn bộ chi phí, nông dân vẫn có lãi từ 15 - 20 triệu đồng/ha. Nhiều hộ gia đình canh tác với diện tích lớn từ 40 – 50 ha thì đây quả là khoản thu không nhỏ đối với một địa bàn thuần nông như huyện Ea súp.

Nhận thấy Ea Súp có tiềm năng là vùng nguyên liệu ổn định, có thể xây dựng cánh đồng mẫu lớn, liền vùng, liền thửa, từ cuối năm 2015 Công ty cổ phần Mía đường Đắk Lắk đã quyết định di dời nhà máy từ huyện Cư Jut (tỉnh Đắk Nông) về tại xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp). Hiện nay, công ty đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng và lắp ráp hệ thống dây chuyền thiết bị công nghệ sản xuất mía đường; khu vực nhà ở cho cán bộ, công nhân viên, khu hành chính, bãi đỗ xe, hệ thống xử lý nước thải trên diện tích 24,5 ha. Được biết, khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ có công suất đạt 2.500 tấn mía cây/ngày, tương ứng với diện tích 5.000 ha mía; năm 2018 dự kiến sẽ nâng công suất lên 3.500 tấn mía cây/ngày, tương ứng 7.000 ha mía; sau năm 2020 sẽ nâng công suất lên 7.000 tấn mía cây/ngày, tương ứng 10.000 ha trở lên. Đồng thời sẽ giải quyết việc làm cho trên 300 công nhân, trong đó số công nhân cũ của nhà máy chiếm khoảng 60%, còn lại 40% sẽ tuyển dụng người tại địa phương.

Dự kiến vào khoảng trung tuần tháng 11-2017 nhà máy sẽ tiến hành chạy thử và đến đầu tháng 12 sẽ chính thức đi vào hoạt động. Nông dân trồng mía trong vùng đang kỳ vọng sẽ có nguồn thu nhập khá hơn từ việc nhà máy đi vào sản xuất ổn định, trong đó cước phí vận chuyển sẽ giảm đến 50%, cùng với những ưu đãi khác từ phía công ty.

Thành Trung


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.