Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea Kar: Người chăn nuôi chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ

10:16, 24/09/2017

Chăn nuôi là thế mạnh của huyện Ea Kar, tuy nhiên, gần 1 năm nay giá đầu ra của gia súc, gia cầm luôn bấp bênh khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng không còn vốn để tái đầu tư. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ chăn nuôi hầu như không đến được với người dân ở nơi đây.

Ông Nguyễn Văn Quyết, cán bộ thú y xã Ea Tyh cho biết, là xã chăn nuôi trọng điểm của huyện với 36 trang trại, gia trại heo, gà, sau đợt heo, gà giảm giá vừa qua toàn xã có đến 60-70% hộ chăn nuôi phải mang bìa đỏ đến ngân hàng vay vốn để duy trì chăn nuôi. Khổ nhất là những hộ đến ngày đáo hạn vẫn không có tiền để trả; có hộ xoay được tiền trả nợ nhưng khi vay lại để trả người cho mượn thì ngân hàng chỉ cho vay 80% số tiền đã đáo hạn khiến họ rơi vào tình trạng “dở khóc, dở cười” vì không biết kiếm đâu ra số tiền còn thiếu để bù vào trả nợ.

Hiện trên địa bàn xã đã có 2/10 trang trại heo bị phá sản, nhiều hộ không dám phát triển chăn nuôi hoặc không còn khả năng tái đàn, trong khi đó việc người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng, chưa nói đến nguồn vốn vay ưu đãi đã gặp rất nhiều khó khăn vì ngân hàng sợ rủi ro nên không cho vay nhiều mà lãi suất thì cao. Trường hợp trang trại heo của bà Nguyễn Thị Hợp ở thôn Đồng Tâm 2, xã Ea Tyh là một điển hình. Trang trại thường duy trì ở mức 800 con heo các loại, trong đó có 500 con heo thịt. Trong 8 tháng heo giảm giá mạnh, bình quân 1 ngày bà Hợp lỗ 4 triệu đồng và để duy trì đàn heo đến bây giờ chị phải vay thế chấp tại ngân hàng trên 2 tỷ đồng, đồng thời vay mượn thêm anh em họ hàng 700 triệu đồng.

Tuy nhiên, điều chị bức xúc là nghe trên các phương tiện truyền thông nói có chính sách hỗ trợ cho người nuôi heo vượt qua khó khăn trong đợt heo giảm giá sâu vừa qua như hỗ trợ lãi suất, gia hạn, khoanh nợ, nhưng khi chị ra Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển nông thôn hỏi thì được trả lời là tỉnh chưa có chính sách vay ưu đãi cho chăn nuôi. Không chỉ ở giai đoạn khó khăn này mà từ trước đến giờ chị chưa hề được tiếp cận với chính sách hỗ trợ nào cho chăn nuôi hoặc trang trại mặc dù trang trại chị đã có giấy chứng nhận. Hiện tại, giá heo vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, trang trại của chị phải bán bớt heo nái để duy trì đàn heo thịt và đang bị lỗ quá nhiều, nguy cơ không thu hồi lại vốn.

Trang trại heo của chị Nguyễn Thị Hợp (thôn Đồng Tâm 2, xã Ea Tyh).
Trang trại heo của chị Nguyễn Thị Hợp (thôn Đồng Tâm 2, xã Ea Tyh).

Từ trước đến nay, chăn nuôi là thế mạnh của huyện Ea Kar, trong đó, đàn heo luôn duy trì ở mức cao với sản lượng thịt hơi, giá trị sản xuất chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng giá trị ngành chăn nuôi và là nguồn thu nhập chính của đa số hộ chăn nuôi trên địa bàn. Hiện toàn huyện có 39 trang trại heo có quy mô trên 100 con, doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm/trang trại, tập trung chủ yếu tại các xã Ea Tyh, Ea Kmút, Ea Đar...

Theo Phòng NN-PTNT huyện, các sản phẩm chăn nuôi của huyện phần lớn xuất bán đi các tỉnh khác thông qua các thương lái. Chính điều này đã dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi của nông dân gặp nhiều khó khăn do quá phụ thuộc vào thương lái, trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn huyện không ổn định, chưa có nhà máy chế biến sản phẩm, chưa có hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ...

Mặt khác, các chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho ngành chăn nuôi về vay vốn, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển thị trường…vẫn còn nhiều bất cập, khó thực hiện. Riêng với công văn 3091/NHNN-TD của Ngân hàng Nhà nước gửi các tổ chức tín dụng yêu cầu căn cứ vào khả năng tài chính để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản xuất thuốc thú y nhưng trên địa bàn huyện không có ngân hàng nào thực hiện công văn này nên người chăn nuôi vẫn phải “tự bơi” để cứu mình.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.