Multimedia Đọc Báo in

Điểm sáng trong huy động vốn ủy thác

09:06, 27/09/2017

Dù tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng huyện Krông Năng đã nỗ lực bố trí vốn ủy thác cho NHCSXH, góp phần giúp người dân tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Theo số liệu của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Krông Năng (Phòng giao dịch), tổng nguồn vốn từ các nguồn của đơn vị hiện đạt 247,5 tỷ đồng. Riêng đối với nguồn vốn ủy thác của địa phương, trong năm nay, Phòng giao dịch đã nhận được 1 tỷ đồng chuyển từ ngân sách huyện, nâng tổng nguồn vốn này từ khi thành lập đến nay đạt hơn 15,6 tỷ đồng, là một trong những địa bàn có vốn ủy thác lớn nhất trong toàn tỉnh. Từ các nguồn vốn trên, Phòng giao dịch đã triển khai 14 chương trình tín dụng chính sách cho gần 11.000 hộ vay, với tổng dư nợ hơn 243 tỷ đồng (tăng gần 40 lần so với năm 2002), bình quân 22 triệu đồng/hộ (trong đó, gần 4.500 hộ đồng bào dân tộc thiểu số).

Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Krông Năng thăm mô hình sản xuất của anh Đinh Hồng Diễn  (thứ 2 từ trái qua).
Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Krông Năng thăm mô hình sản xuất của anh Đinh Hồng Diễn (thứ 2 từ trái qua).

Vốn vốn vay NHCSXH đã giúp nhiều hộ đầu tư sản xuất kinh doanh hiệu quả, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, kinh doanh dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Anh Đinh Xuân Quân, thôn Giang Hà, xã Ea Dăh là hộ nghèo tại địa phương, lâu nay phải sống trong căn nhà tạm bợ. Năm 2017, anh làm thủ tục vay vốn chính sách với số tiền 25 triệu đồng, thời hạn 25 năm, lãi suất 0,25%/tháng. Nhờ đó, gia đình anh đã xây dựng được căn nhà kiên cố để yên tâm sinh sống, làm ăn. Còn anh Đinh Hồng Diễn, thôn Xuân Hà 3, xã Ea Dăh đã vươn lên thoát nghèo nhờ vay và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ưu đãi. Năm 2013, anh đã vay tổng cộng 18 triệu đồng theo Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và vay vốn giảm nghèo để khoan giếng, đầu tư sản xuất. Đến năm 2015, gia đình anh trả hết nợ cũ và xin vay thêm 40 triệu đồng từ Chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng đặc biệt khó khăn để đầu tư cây giống, phân bón trồng cà phê, tiêu. Nhờ đó, gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống ổn định với 1,7 ha đất trồng cây công nghiệp, thu nhập 150 triệu đồng/năm.

Ông Mai Văn Trâm, Giám đốc Phòng giao dịch cho biết, từ năm 2002 đến nay, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp gần 20.000 hộ trên địa bàn huyện thoát nghèo, 1.234 hộ có nhà ở kiên cố, hơn 5.100 học sinh sinh viên vay vốn yên tâm học tập và 5.700 hộ xây dựng được công trình nước sạch và vệ sinh môi trường. Để triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi, bên cạnh hỗ trợ vốn ủy thác, đơn vị đã nhận được sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương trong việc xây dựng hệ thống điểm giao dịch đến từng xã, thị trấn nhằm tạo điều kiện cho khách hàng có thêm cơ hội tiếp cận với nguồn vốn. Cùng với đó, chính quyền và các hội, đoàn thể tại địa phương đã tích cực phối hợp với Phòng giao dịch để hướng dẫn hộ vay cách làm ăn, sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả. 

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.