Multimedia Đọc Báo in

Tái canh cà phê ở huyện Cư M'gar: Hiệu quả đến đâu?

04:05, 15/08/2017

Huyện Cư M’gar là địa phương có diện tích trồng cà phê nhiều nhất tỉnh, với 35.754 ha. Thời gian qua, việc thực hiện tái canh cà phê (TCCP) trên địa bàn đạt được những hiệu quả nhất định, tuy nhiên, thực tế vẫn còn bộc lộ một số vấn đề đáng bàn.

Theo phân tích của Phòng NN-PTNT huyện, cà phê ở đây chủ yếu là cà phê vối do nông dân tự trồng bằng hạt nên năng suất thấp, tỷ lệ nhiễm bệnh cao, kích thước quả không đều, chín không tập trung nên khó khăn cho việc thu hái, chế biến. Đáng nói hơn, có khoảng 60% diện tích cà phê trên địa bàn được trồng từ những năm 1985-1995, hiện đã già cỗi, cho năng suất kém, chỉ đạt khoảng 1 tấn/ha.

Trước tình hình đó, thời gian qua UBND huyện Cư M’gar đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng và người dân đẩy mạnh chương trình tái canh được 2.000 ha, dự kiến, đến cuối năm 2017, diện tích cà phê tái canh toàn huyện sẽ đạt 2.400 ha. Nhiều địa phương có diện tích tái canh lớn như thị trấn Quảng Phú, Ea Pốk, xã Quảng Tiến. Theo tính toán, giai đoạn 2015-2020, trên địa bàn có khoảng 16.000 ha cà phê cần được thanh lý chuyển đổi và tái canh, trong đó, có 4.700 ha cần chuyển đổi sang trồng cây khác vì địa hình không phù hợp, độ dốc cao, thiếu nước tưới. Trung bình mỗi năm, diện tích cà phê cần tái canh khoảng 500-800 ha. Nhiều doanh nghiệp và nông dân trên địa bàn đã chủ động thực hiện tái canh như Công ty Cà phê Ea Pốk đã tái canh thành công 180 ha cà phê; một số nông dân ở thị trấn Quảng Phú cũng tái canh được từ 1-2 ha/hộ...

Một vườn  cà phê  tái canh tại thị trấn Quảng phú, huyện  Cư M’gar.
Một vườn cà phê tái canh tại thị trấn Quảng phú, huyện Cư M’gar.

Tuy nhiên, theo Phòng NN-PTNT huyện, thực tế, việc TCCP trên địa bàn diễn ra còn chậm và mang tính tự phát, nguyên nhân do nông dân thiếu vốn, trong khi các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho TCCP lại khó tiếp cận; kỹ thuật tái canh của nông dân còn thấp dẫn đến bệnh hại rễ (sau 3 năm trồng mới tái canh) làm tỷ lệ cây chết cao, gây khó khăn cho việc khôi phục vườn cà phê...

Trên thực tế, chất lượng vườn cà phê được tái canh theo hình thức trồng mới trên địa bàn đạt hiệu quả chưa cao. Qua kiểm tra sơ bộ của ngành chức năng huyện cho thấy, đã có nhiều diện tích cà phê tái canh được khoảng 2-3 năm thì cây xuất hiện hiện tượng vàng lá, bị thối rễ, cây phát triển kém hoặc chết. Hiện tượng này xảy ra nghiêm trọng nhất là đối với những vườn cây già cỗi sau khi nhổ lên xong là trồng cây mới ngay mà không được xử lý đất đúng kỹ thuật.

Theo Chương trình TCCP của Chính phủ, bắt đầu từ năm 2014, Ngân hàng NN-PTNT là đơn vị duy nhất cho vay vốn TCCP, nhưng tiến độ cho vay theo chương trình này vẫn không như mong đợi. Theo báo cáo của Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh huyện Cư M’gar, tính đến hết ngày 6-3-2017,  tổng nguồn vốn đã giải ngân  cho vay TCCP trên địa bàn chỉ đạt trên 16,3 tỷ đồng với 36 hộ và 1 doanh nghiệp vay. Trên thực tế, thời gian qua, phần lớn kinh phí thực hiện TCCP đã được nông dân và doanh nghiệp vay từ các ngân hàng thương mại trên địa bàn.

Tại buổi làm việc giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND huyện Cư M’gar diễn ra hồi trung tuần tháng 7 vừa qua, đại diện Phòng NN-PTNT huyện cho rằng, nhu cầu vay vốn TCCP trong dân trên địa bàn là rất lớn, tuy nhiên, vay theo chương trình này chưa thật sự hấp dẫn bà con. Bởi, lãi suất dù có ưu đãi nhưng vẫn còn cao nên chưa kích thích bà con mạnh dạn vay; vốn vay không được cấp 1 lần mà cấp thành nhiều đợt; nông dân phải có giấy xác nhận đủ điều kiện tái canh và nằm trong quy hoạch trồng cà phê được tỉnh phê duyệt; tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật do Bộ NN-PTNT ban hành... Nhưng khó khăn nhất ở chỗ, dù là chương trình ưu đãi nhưng buộc nông dân phải thế chấp tài sản bảo đảm là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong khi phần lớn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của nông dân trên địa bàn đều đã được thế chấp để vay vốn sản xuất từ các ngân hàng thương mại khác.

Theo ông Phạm Quang Mười, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện, ước tính chi phí để tái canh 1 ha cà phê (gồm 1 năm trồng mới và 2 năm chăm sóc) là trên 150 triệu đồng, đa số nông dân đều không đủ vốn  để thực hiện tái canh hàng loạt vườn cà phê già cỗi. Do đó, cần có biện pháp hạ lãi suất cho vay từ chương trình TCCP để tạo điều kiện cho nhiều hộ nông dân được tiếp cận nguồn vốn hơn; mở rộng đơn vị cho vay, cho phép nhiều ngân hàng thương mại cùng tham gia vào chương trình này. Bên cạnh đó, để thúc đẩy thực hiện TCCP trên địa bàn, thời gian tới huyện cũng sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp như: đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ cây giống, tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân…

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.