Multimedia Đọc Báo in

Bảo hộ, quảng bá Cà phê Buôn Ma Thuột: Thêm hướng đi mới

11:52, 14/04/2017

Vùng địa danh Cà phê Buôn Ma Thuột thuộc các huyện: Cư M’gar, Krông Búk, Ea H’leo, Krông Ana, Cư Kuin, Krông Năng, Krông Pắc, TP. Buôn Ma Thuột và thị xã Buôn Hồ, với diện tích 107.500 ha.

Cà phê mang CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuột mang đặc trưng chất lượng là có màu xanh xám, xanh lục hoặc nhạt, mùi thơm tự nhiên, độ ẩm 12,5%, hàm lượng cafeine 2,2 – 2,4%. Hiện CDĐL này đã được cấp quyền sử dụng cho 11 doanh nghiệp (DN) với diện tích 15.300 ha, sản lượng đăng ký 47.500 tấn. Đáng chú ý là thời gian gần đây, một số DN sản xuất, kinh doanh cà phê nhân có CDĐL như Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9, Công ty TNHH Dak Man Việt Nam đã phối hợp với các nhà rang xay tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Đồng Nai sử dụng logo CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuột trong thương mại với sản lượng gần 1.000 tấn. Bên cạnh đó, có dòng 15 sản phẩm cà phê rang xay của 11 DN thuộc Chi hội nhà rang xay Cà phê Buôn Ma Thuột đạt tiêu chuẩn chất lượng được xuất khẩu với dấu hiệu nhận dạng trên bao bì là logo Cà phê Buôn Ma Thuột.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh và các đại biểu thăm gian hàng cà phê tại Hội chợ - Triển lãm  chuyên ngành cà phê năm 2017.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh và các đại biểu thăm gian hàng cà phê tại Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê năm 2017.

Trên phạm vi quốc tế, “Buôn Ma Thuột Coffee” đăng ký bảo hộ theo các hình thức có giá trị thương hiệu tương đương: tên gọi xuất xứ hàng hóa, CDĐL, nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận. Trước đây, CDĐL này từng bị một doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ trái pháp luật tại lãnh thổ Trung Quốc. UBND tỉnh Đắk Lắk - chủ sở hữu hợp pháp chính thức CDĐL này phải đấu tranh pháp lý để bảo hộ chính thức  “Buôn Ma Thuột Coffee” tại Trung Quốc dưới hình thức nhãn hiệu tập thể. Cùng với đó, Đắk Lắk đã nộp đơn đăng ký bảo hộ thương hiệu này tại 17 quốc gia, vùng lãnh thổ và đã được 12 quốc gia đồng ý, trong đó,  “Buôn Ma Thuột Coffee” được bảo hộ với hình thức nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận tại Canada, Đức, Ba Lan, Bỉ, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Luxambua và Singapore, tại Thái Lan là CDĐL và tại Nga là tên gọi xuất xứ hàng hóa. Tại địa bàn Mỹ, Nhật, Vương quốc Anh, Hàn Quốc và Thụy Sỹ đã từ chối bảo hộ và địa phương phải tạm dừng theo đuổi đơn đăng ký do chi phí thực hiện quá lớn và khả năng thành công chưa rõ ràng. Tại lãnh thổ Liên minh châu Âu, theo cam kết tại Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ đầu năm 2018, “Buôn Ma Thuột Coffee” là một trong số 38 sản phẩm nông sản được bảo hộ dưới hình thức CDĐL. Hiện, dự án Hỗ trợ chính sách Thương mại và Đầu tư của Châu Âu (EU-MUTRAP) đang hỗ trợ địa phương hoàn thiện hồ sơ đăng ký và vận hành trong thực tế theo những quy định của EU; theo đó, quá trình này sẽ được xúc tiến theo hướng bảo hộ thêm cho các sản phẩm chế biến sâu, củng cố hệ thống kiểm soát và chứng nhận chất lượng. Bên cạnh đó, hồ sơ đăng ký cũng mô tả rõ hơn đặc thù của sản phẩm, quy định rõ những yêu cầu bắt buộc trong quá trình sản xuất, chế biến, quy trình chứng nhận chất lượng, hệ thống kiểm soát nhằm bảo đảm đặc thù chất lượng hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, quy định sử dụng logo và hệ thống nhận dạng thương hiệu.

Trưng bày, giới thiệu sản phẩm cà phê nhân của Công ty TNHH MTV cà phê Thắng Lợi.
Trưng bày, giới thiệu sản phẩm cà phê nhân của Công ty TNHH MTV cà phê Thắng Lợi.

Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, công tác bảo hộ CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuột trên phạm vi toàn cầu hiện đang gặp nhiều khó khăn do vùng địa danh rộng, việc sản xuất kinh doanh liên quan theo nhiều loại hình và yêu cầu chất lượng trên thị trường xuất khẩu rất đa dạng. Bên cạnh đó, việc hình thành và vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm và bảo đảm chứng nhận chất lượng tại một số DN còn hạn chế do thiếu nhân lực, cơ sở vật chất và kinh phí. Thời gian tới, sẽ hoàn chỉnh bảo hộ theo hình thức CDĐL trên toàn lãnh thổ 27 quốc gia tại EU; từng bước mở rộng cấp quyền sử dụng CDĐL cho các tổ chức nông dân sản xuất cà phê trong vùng địa danh gắn với tổ chức lại sản xuất, liên kết với DN nhằm bảo đảm đầu ra cho sản phẩm; đồng thời, đẩy mạnh hoạt động của các chi hội rang xay theo hướng từng thành viên có hệ thống quản lý nội bộ chặt chẽ, đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng cao với hệ thống nhận dạng thống nhất.       

11 DN được cấp quyền sử dụng CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê nhân với tổng diện tích 15.300 ha gồm: các Công ty TNHH MTV: cà phê Phước An (1.800 ha), cà phê Tháng 10 (500 ha), cà phê Ea Pốk (500 ha), cà phê Buôn Hồ (766 ha), xuất nhập khẩu 2-9 (2.484 ha), cà phê 15 (849 ha), cà phê Thắng Lợi (1.782 ha), Công ty Cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Đắk Lắk (173 ha), Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên (2.079 ha), Công ty TNHH DakMan Việt Nam (4.137 ha) và Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Đức Nguyên (210 ha). UBND tỉnh cũng vừa cho phép Công ty Cổ phần Vinacafé Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) được sử dụng dài hạn logo chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê hòa tan.

 

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.