Multimedia Đọc Báo in

Không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu

14:47, 03/01/2017

Với nguồn hàng hóa phong phú và sự chủ động của các nhà phân phối, cơ quan chức năng, dịp tết năm nay, hy vọng người tiêu dùng (NTD) sẽ được tiếp cận nhiều hơn với các sản phẩm hàng Việt uy tín, giá phải chăng  và an toàn cho sức khỏe.

Ông Nguyễn Văn Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, Sở đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị kinh doanh thương mại chủ lực trên địa bàn lên kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ Tết từ sớm. Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp (DN) lớn đứng chân trên địa bàn như Siêu thị Co.opmart, Công ty Cà phê 721, Vinmart (Vincom), Trung tâm Mega Market (Metro cũ), Trung tâm thương mại Ea Kar, Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên đã dự trữ nguồn hàng Tết tăng khoảng 5% so với năm trước, với tổng giá trị hàng hóa lên đến 215 tỷ đồng. Phần lớn kinh phí dự trữ hàng hóa dịp này đều bằng vốn tự chủ của đơn vị và DN cam kết hạn chế tối đa mức tăng giá để hỗ trợ người tiêu dùng.

Người tiêu dùng sắm tết tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột.
Người tiêu dùng sắm tết tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột.

Theo dự báo của Sở Công thương, nhu cầu tiêu dùng trong tháng 1-2017 (tháng tết) trên địa bàn tỉnh khoảng 18 nghìn tấn gạo, 720 tấn đường, 3.600 tấn thịt heo, 1.440 tấn thịt gà, 2.700 tấn rau củ, trong khi mức dự trữ của các DN lớn đã đáp ứng 120% so với nhu cầu các mặt hàng thiết yếu trong tháng, ngoài ra còn có lượng hàng dự trữ tại các cửa hàng bán lẻ, chợ truyền thống. Do đó, sẽ không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.

Để hỗ trợ NTD sắm tết, năm nay, tỉnh tiếp tục thực hiện chương trình bình ổn giá (đầu tháng 12-2016 đến ngày 15-2-2017) thị trường dịp cuối năm 2016 và Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Chương trình gắn liền với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần cân đối cung cầu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, nhất là các mặt hàng thiết yếu, từ đó góp phần hạn chế tốc độ tăng giá, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển, kích cầu tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trong tháng cao điểm tết (từ ngày 1-1 đến ngày 15-2-2017), riêng hàng bình ổn chiếm đến 2/3 tổng lượng hàng hóa được DN chuẩn bị, tương đương 149 tỷ đồng, chủ yếu nằm trong nhóm hàng thiết yếu có sức tiêu thụ mạnh như gạo tẻ, thịt heo, thịt gia cầm, thủy hải sản, thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường RE, rau củ…

Về phía các DN, theo đại diện Co.opmart Buôn Ma Thuột cho hay, lượng dự trữ hàng hóa Tết năm nay lên đến 61 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với mọi năm… Hiện, đơn vị này cũng đang triển khai bán hàng bình ổn với giá cam kết chỉ bằng hoặc thấp hơn thị trường khoảng 5% và bảo đảm không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến. Phục vụ Tết năm nay, Siêu thị cũng đã tổ chức bán hàng lưu động tại các huyện trong tỉnh như Buôn Đôn, Krông Bông, Ea Súp với hơn 200 mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sắm tết của bà con vùng sâu, vùng xa, điều kiện khó khăn.

Cùng với việc chủ động, tăng cường nguồn hàng của các DN phân phối, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cũng đang tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để bình ổn hàng hóa dịp tết năm nay. Đoàn liên ngành của tỉnh và các đội trực thuộc Chi cục đã tập trung các biện pháp nghiệp vụ để chống các hành vi gian lận thương mại, phát hiện và xử lý các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái quy định và buôn bán hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ… Sở Công Thương cũng thành lập đoàn kiểm tra việc kiểm kê, dự trữ hàng hóa và giá bán các mặt hàng thuộc diện bình ổn.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.