Multimedia Đọc Báo in

Cẩn trọng với những cây trồng "siêu lợi nhuận"

09:07, 02/11/2016

Nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng để đem lại hiệu quả kinh tế cao là rất cần thiết. Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro, bà con nông dân nên tìm hiểu kỹ về đặc tính từng loại cây trồng và xác định được đầu ra ổn định cho nông sản…

Phá vỡ quy hoạch

Khoảng 6 năm trở lại đây, sầu riêng được xem là loại cây trồng “tiền tỷ”. Với chi phí đầu tư trồng mới khoảng 10-15 triệu đồng/ha, sau 3 năm có thể thu hoạch từ 20 - 40 tấn/ha. Với giá bán hiện nay khoảng 43 nghìn đồng/kg thì mỗi héc-ta sầu riêng có thể thu lãi trên dưới 1 tỷ đồng. Chính vì lợi nhuận cao, diện tích cây sầu riêng ở nhiều địa phương đang tăng lên rất nhanh. Theo thống kê, năm 2013 toàn tỉnh có 1.667 ha sầu riêng, đến nay đã lên 2.607 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Krông Pắc 1.000 ha; Krông Năng 409 ha; Buôn Ma Thuột 309 ha…

Anh Y Phốt Bđap ở buôn Ea Mtar, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin (bên phải) bên vườn tiêu của gia đình.
Anh Y Phốt Bđap ở buôn Ea Mtar, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin (bên phải) bên vườn tiêu của gia đình.

Tiêu cũng là một trong những loại cây trồng “siêu lợi nhuận”, mỗi héc-ta có thể thu lãi bình quân khoảng 500 - 800 triệu đồng, vì vậy, những năm gần đây, người dân trong tỉnh đang đổ xô trồng, bất chấp những hệ lụy. Nếu như năm 2013, toàn tỉnh mới chỉ có 11.082 ha tiêu thì đến nay đã tăng lên gần 21.500 ha và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi đó, theo quy hoạch đến năm 2020, Đắk Lắk chỉ phát triển khoảng 15.000 ha.

Bên cạnh những loại cây trồng nói trên thì thời gian gần đây, người dân trong tỉnh cũng đang chạy đua trồng khoai lang, chanh dây, mắc ca, đinh lăng… Tuy nhiên, hầu hết các loại cây này đều do người dân trồng tự phát, không theo quy hoạch của ngành nông nghiệp. Đối với khoai lang, năm 2015, toàn tỉnh mới chỉ có khoảng 2.100 ha thì sang đến năm nay đã tăng lên 4.715 ha. Điều đáng lo ngại là tại địa bàn 2 huyện Krông Ana và Lắk, nhiều hộ dân đã phá bỏ diện tích lúa nước truyền thống để chạy theo loại cây trồng này. Riêng tại huyện Lắk, đến nay bà con đã trồng được 561 ha khoai lang, vượt 4 lần so với kế hoạch của huyện.

Theo ông Trần Quang Tây, Trưởng Phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT), những năm qua, ngành chức năng tỉnh, các địa phương không ngừng định hướng, khuyến cáo, lập quy hoạch vùng trồng để việc sản xuất của người dân đem lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định. Song bà con cứ thấy lợi trước mắt là đổ xô trồng tự phát, khiến các cơ quan chức năng rất khó kiểm soát, hay nói đúng hơn là không thể kiểm soát. Điều này đã nảy sinh nhiều hệ lụy mà trước hết là chính người nông dân phải hứng chịu.

Nhiều rủi ro

Khoảng 2 năm trở lại đây, quả sầu riêng đang phải đối mặt với nạn bảo kê thu mua của các đối tượng xấu, cộng với việc kén chọn trái của các thương lái khiến cho người nông dân lâm vào cảnh đứng ngồi không yên. Anh Trịnh Hoàng D. ở xã Ea Tân (huyện Krông Năng) cho biết, gia đình anh có 1,5 ha sầu riêng thời kỳ kinh doanh. Gần đây, trên địa bàn xã đã xuất hiện một số đối tượng lạ mặt đến ngăn cấm không cho các tư thương vào mua sầu riêng của người dân. Không còn cách nào khác, bà con phải bán sầu riêng cho các đối tượng này với mức giá chúng đưa ra chỉ bằng nửa giá thị trường. Ước tính trong 2 vụ sầu riêng vừa qua gia đình anh D. mất khoảng 500 triệu đồng.

Ông Trần Quang Tây khuyến cáo, để chuyển đổi sang một loại cây trồng nào đó đem lại hiệu quả kinh tế cao thì bà con nông dân nên cân nhắc kỹ trước khi đầu tư, đặc biệt là khâu chọn giống, kỹ thuật chăm sóc, liên kết với doanh nghiệp để có đầu ra ổn định rồi mới tính đến mở rộng vùng trồng, tránh tình trạng phá vỡ quy hoạch một số cây trồng chủ lực tại địa phương. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường mối gắn kết, đồng hành cùng nông dân để có định hướng phát triển cây trồng sao cho phù hợp. Đừng để nông dân tự “bơi”, dễ phát sinh rủi ro.

Đối với cây tiêu, theo thống kê sơ bộ, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có 810,9 ha tiêu bị chết do bệnh chết nhanh, chết chậm và tiêu điên (do virus). Điển hình có trường hợp gia đình ông Nguyễn Văn Hoan ở thôn 11, xã Ea Riêng (huyện M’Đrắk) có 150 trụ tiêu đang độ kinh doanh. Cách đây không lâu cây tiêu bỗng nhiên có hiện tượng vàng lá, rụng đốt rồi chết hàng loạt. Ông Hoan cho biết, vườn tiêu nhà ông từ khi phát hiện bệnh đến khi chết hàng loạt chỉ trong vòng 1 tuần, thiệt hại ước tính lên đến 200 triệu đồng. Nguyên nhân được ngành chức năng huyện xác định là do tiêu bị bệnh chết nhanh.

Vườn tiêu của gia đình ông Đào Xuân Tân ở thôn 4, xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo) bị chết hàng loạt.
Vườn tiêu của gia đình ông Đào Xuân Tân ở thôn 4, xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo) bị chết hàng loạt.

Không ai phủ nhận về những hiệu quả kinh tế trước mắt mà những loại cây trồng như tiêu, sầu riêng, khoai lang… mang lại. Tuy nhiên, điều đáng nói là hầu hết người dân chỉ nghĩ đến lợi nhuận trước mắt mà phá bỏ những diện tích cây trồng đang cho thu nhập ổn định. Theo ông Trần Quang Tây, ngay cả với những loại cây trồng đã được quy hoạch hằng năm cũng còn phải xem xét điều chỉnh cho phù hợp, dựa trên rất nhiều cân bằng động, như: yếu tố rừng, nước, thổ nhưỡng, khí hậu, dịch bệnh… Việc trồng ồ ạt, thiếu cân nhắc, tính toán và rồi cây chết hàng loạt; hay điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được là những điều mà nhiều nông dân đã phải nếm trải.  

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.