Multimedia Đọc Báo in

Nông dân Đắk Lắk tập trung chăm sóc cây cà phê sau hạn

09:23, 08/06/2016

Tận dụng những cơn mưa đầu mùa liên tiếp thời gian qua, nông dân Đắk Lắk đang dồn sức chăm sóc cho các loại cây trồng, đặc biệt là cà phê.

Nông dân xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột làm cỏ, bón phân cho cây cà phê
Nông dân xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột làm cỏ, bón phân cho cây cà phê.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh có gần 58.600 ha cà phê bị ảnh hưởng (tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó, mất trắng 4.346 ha (tăng hơn 563%). Diện tích bị hạn tập trung chủ yếu ở các huyện Cư M’gar (hơn 16.000 ha), Krông Búk (gần 10.000 ha), Ea H’leo (gần 10.000 ha), Ea Kar (gần 3.000 ha), thị xã Buôn Hồ (hơn 6.000 ha)... Diện tích cà phê bị hạn tăng cùng với mức độ thiệt hại, ảnh hưởng đến năng suất không chỉ đe dọa sản lượng cà phê niên vụ 2016-2017 mà còn ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân. Ông Trần Văn Hoàng, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar cho biết, gia đình có 2 ha cà phê, năm nay không đủ nước tưới nên bị hạn nặng, ước giảm năng suất khoảng 50% so với niên vụ trước. Những ngày gần đây, trên địa bàn đã có mưa lớn nên gia đình đang tập trung làm bồn và bón phân cho cà phê kết hợp cắt bỏ những cành khô để hạn chế sâu bệnh và tạo tán cho vườn cây. Đồng thời, gia đình cũng đang có kế hoạch trồng xen bơ, sầu riêng để vừa che bóng cho cà phê vừa gia tăng thu nhập trên vườn cây trong tương lai. Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Thúy, xã Cư Suê cho hay, vườn cà phê xen canh hồ tiêu của gia đình rộng hơn 1 ha cũng bị hạn nên năng suất ước giảm khoảng 30%, bà đang tập trung cho việc chăm sóc, bón phân theo sự hướng dẫn, tư vấn của cán bộ khuyến nông xã, trong đó chú trọng sử dụng các loại phân dạng nước, phân sinh học với đặc điểm dễ tan, cây dễ hấp thụ và tủ gốc cây để giữ ẩm. Dễ dàng nhận thấy, bón phân, chăm sóc cà phê hiện nay mới chỉ là giải pháp trước mắt để phục hồi và giảm bớt thiệt hại do hạn hán xảy ra đối với niên vụ 2016-2017, bởi dưới tác động của hiện tượng El Nino, nguy cơ hạn hán trong những năm tiếp theo sẽ có chiều hướng phức tạp hơn. Ông Phạm Quang Mười, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar cho hay, để phát triển cà phê bền vững, đem lại nguồn thu nhập ổn định trên những diện tích cà phê trong quy hoạch huyện đang tập trung các giải pháp hướng dẫn bà con nông dân tưới nước tiết kiệm bằng béc, nhỏ giọt hay tưới dí với lượng nước thấp hơn, đồng thời kết hợp trồng rừng đầu nguồn, trồng cây che bóng, chắn gió trong vườn cây. Còn về lâu dài, địa phương khuyến khích bà con chuyển đổi những diện tích nằm ngoài quy hoạch, có độ dốc cao sang trồng dược liệu, hồ tiêu, trồng cỏ nuôi bò... để giảm diện tích cà phê từ hơn 35.000 ha xuống còn 30.000 ha vào năm 2020.  

Chăm sóc vườn cà phê tái canh tại huyện Krông Pắc.
Chăm sóc vườn cà phê tái canh tại huyện Krông Pắc.

Ông Nguyễn Huy Phát, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết, năm nay mùa mưa đến muộn khoảng 1 tháng so với những năm trước nên mức độ ảnh hưởng lên vườn cà phê có chiều hướng nặng hơn. Hiện chưa thể tính toán thiệt hại của cả niên vụ, nhưng để hạn chế thiệt hại cũng như bảo đảm nguồn thu nhập, bà con nông dân cần tập trung bón phân, cắt tỉa cành, chồi giúp cây phục hồi nhanh sau hạn, tập trung dinh dưỡng để nuôi trái. Riêng những vườn cà phê dưới 20 năm tuổi, cây sinh trưởng tốt, bộ rễ khỏe tại các vùng có lượng mưa trên 1.500mm/năm, độ dốc dưới 15 độ, tầng đất dày trên 70 cm, thoát nước tốt năm nay bị hạn nặng, lá, cành bị khô và rụng trầm trọng, ước giảm năng suất từ 70-100% thì tiến hành ghép cải tạo với các giống TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9… Vườn cà phê có năng suất trung bình các năm trước đạt 4-5 tấn nhân/ha, cây đồng đều thì cưa đốn phục hồi ngay để thuận tiện cho việc tái tạo lại hệ thống thân, cành mới. Riêng những vườn cà phê bị chết, cây thuộc vùng đất dốc, tầng đất mỏng, liên tục bị hạn và không chủ động được nguồn nước tưới bền vững thì chuyển đổi sang trồng cây khác có nhu cầu sử dụng nước ít hơn như điều, sầu riêng, chôm chôm, bơ…, đồng thời, trồng xen đậu đỗ, ngô, sắn những năm đầu để có thêm thu nhập. Còn với những vườn cà phê già cỗi bị chết do khô hạn song có khả năng bảo đảm nguồn nước tưới trong điều kiện khí hậu, thời tiết bình thường và nằm trong vùng quy hoạch thì thực hiện tái canh theo quy trình của Cục trồng trọt. Để cây phục hồi nhanh, bà con có thể bón phân, phun phân bón lá chuyên dùng cho cây trong trường hợp đất không đủ ẩm ít nhất 2 lần (cách nhau 15-20 ngày) theo nồng độ khuyến cáo của nhà sản xuất để cây phục hồi và hạn chế rụng quả sau thời kỳ khô hạn.     

 Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.