Multimedia Đọc Báo in

Thiếu vốn tái canh cây trồng, lãng phí hàng trăm héc-ta đất

09:12, 11/05/2016

Công ty TNHH MTV Cà phê 52 (gọi tắt là Công ty), tiền thân là Nông trường Cà phê 52, địa chỉ tại thôn 14, xã Ea Đar, (huyện Ea Kar) thành lập từ năm 1982, được Nhà nước cho thuê trên 480 ha đất sản xuất nông nghiệp chuyên canh cây cà phê.

Từ năm 2010 - 2012, do cà phê già cỗi, Ban Giám đốc Công ty đã xin chủ trương của Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) thực hiện dự án chuyển đổi 400 ha cây trồng sang cao su. Được sự đồng ý của Vinacafe, Công ty đã huy động vốn, vay mượn và tiền đóng góp của công nhân, hộ nhận khoán khoảng trên 7 tỷ đồng triển khai chuyển đổi trên 200 ha cà phê sang trồng cao su. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cây trồng này lại không được tỉnh đồng ý và nằm ngoài quy hoạch của địa phương. Đến tháng 4-2014, Công ty lại phá bỏ toàn bộ diện tích cao su mới trồng rồi xin UBND tỉnh chủ trương tái canh cà phê. Ngày 18-1-2016, UBND tỉnh đã ra Quyết định về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch tái canh cà phê giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh, trong đó, đồng ý cho Công ty được tái canh 100 ha cà phê trong năm 2016.

Nhiều diện tích đất mà người dân nhận khoán với Công ty Cà phê 52  đang bị bỏ trống, trong khi người dân không biết nên canh tác cây trồng gì.
Nhiều diện tích đất mà người dân nhận khoán với Công ty Cà phê 52 đang bị bỏ trống, trong khi người dân không biết nên canh tác cây trồng gì.

Chủ trương là vậy, nhưng thực tế, Công ty không có vốn để thực hiện tái canh cà phê. Hiện tại, toàn bộ diện tích trên 200 ha đất trồng cao su sau khi phá bỏ đang bị bỏ trống. Nhiều diện tích được giao lại cho các hộ nhận khoán trồng cây ngắn ngày. Theo phản ánh của người dân, trước đây, nếu nhận khoán chăm sóc cây cà phê, sau khi trừ chi phí nộp sản cho Công ty thì cũng lãi chừng 50 triệu đồng/ha/năm. Nay chuyển sang trồng hoa màu trên đất cà phê cũ rất kém năng suất, nhất là vào mùa khô, việc trồng cây ngắn ngày sẽ không hiệu quả. Hiện, nhiều hộ đã tự ý sang nhượng, bán đất nhận khoán cho người khác. Anh Đinh Văn T. ở thôn 14, xã Ea Đar, huyện Ea Kar cho biết, năm 2015, anh mới mua lại của người dân 2 ha đất nhận khoán của Công ty với giá 180 triệu đồng qua giấy viết tay. Theo thỏa thuận, người mua sẽ được toàn quyền sử dụng lô đất nói trên theo như cam kết nhận khoán với Công ty. Khi nào Công ty có chủ trương tái canh cà phê và có thu hoạch thì cũng phải nộp khoán sản phẩm như người nhận khoán trước đây. Để tránh lãng phí đất mới mua, mùa mưa năm 2015 anh T. đã trồng sắn trên toàn bộ diện tích này. Mặc dù việc trồng sắn không đúng chủ trương của Công ty, nhưng theo anh T. nếu không trồng sắn thì vào mùa khô không có loại cây ngắn ngày nào sống nổi.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Giám đốc Công ty cho biết, theo mục đích cho thuê và quy hoạch vùng chuyên canh cây trồng của tỉnh thì toàn bộ diện tích đất giao cho Công ty là đất trồng cà phê, còn với các cây trồng khác như điều, ca cao và cao su đều không nằm trong quy hoạch của tỉnh. Khi triển khai dự án trồng cao su, Công ty đã làm hồ sơ đến các ngân hàng vay vốn nhưng không được bởi dự án chưa được tỉnh phê duyệt. Trong quá trình chăm sóc cao su đòi hỏi số vốn lớn, trong khi nguồn thu hầu như không có, vì vậy Công ty không đủ khả năng tiếp tục chăm sóc vườn cao su. Sau khi phá bỏ cao su để tái canh cà phê thì Công ty lại không có vốn. Theo ông Toàn, dự án trồng trên 200 ha cao su đã khiến công ty thua lỗ trên 7 tỷ đồng. Thời gian qua, Công ty đã làm hồ sơ “gõ cửa” khắp các ngân hàng để vay vốn nhưng không được nên chưa thể tái canh cà phê, đành bỏ đất trống. Diện tích đất bỏ trống đã được Công ty giao cho người dân canh tác tự do, miễn là trồng cây ngắn ngày, phía Công ty sẽ không thu bất kỳ khoản tiền phí, thuế gì. Ông Toàn cũng thừa nhận, thời gian gần đây đang có tình trạng người dân sang nhượng trái phép đất nhận khoán với Công ty, song, đây chỉ là hoạt động lén lút, Công ty chưa có vốn tái canh cà phê nên chưa có biện pháp xử lý. Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi thì đã có trên dưới 10 trường hợp người dân sang nhượng trái phép đất giao khoán qua giấy viết tay với diện tích trên 10 ha.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, hiện nay vẫn có một số doanh nghiệp sử dụng đất sai mục đích, chuyển đổi cây trồng không theo quy hoạch của tỉnh. để xử lý những trường hợp sai phạm này thì tỉnh vẫn chưa có chế tài mạnh đủ sức răn đe.            

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.