Multimedia Đọc Báo in

Nhiều dự án đầu tư nông lâm nghiệp bị lấn chiếm

10:01, 25/03/2016

Hàng trăm héc-ta rừng bị phá, hàng nghìn héc-ta đất bị lấn chiếm tại nhiều dự án đầu tư nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh khiến cho các doanh nghiệp (DN) gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện các dự án đúng tiến độ đặt ra.

Theo Sở NN-PTNT, trong đợt kiểm tra vào tháng 12-2015 nhằm đánh giá tình hình thực hiện các dự án đầu tư của Đoàn liên ngành tỉnh đối với 24 dự án nông, lâm nghiệp trên tổng diện tích là 22.278 ha của 19 tổ chức, DN trên địa bàn các huyện Ea Súp, Ea H’leo, Lắk, Cư M’gar, Krông Pắc cho thấy, tại nhiều dự án diện tích rừng khoanh nuôi, quản lý, bảo vệ bị chặt phá, đất vùng dự án bị lấn chiếm, tranh chấp…  Đến nay, 24 dự án đã triển khai, thực hiện trồng cao su, trồng rừng chưa đạt so với quy hoạch, cụ thể, diện tích trồng cao su của các dự án là 4.971,5 ha, đạt 79,5% so với quy hoạch; trồng rừng mới được 3.006 ha đạt 38,5% so với quy hoạch. Việc các dự án triển khai chậm xuất phát từ nguyên nhân thiếu vốn, đất đai không phù hợp với cây trồng…; tiến độ một số dự án đang bị chậm là do rừng bị phá, đất bị xâm canh, lấn chiếm. Kết quả kiểm tra cho thấy, trong số 24 dự án trên có 12 dự án bị mất rừng tự nhiên với diện tích 870,1 ha (tính từ khi khảo sát, lập dự án đến thời điểm kiểm kê rừng năm 2014), trong đó, nhiều dự án diện tích rừng tự nhiên nằm trong diện khoanh nuôi, bảo vệ cơ bản đã bị xóa sổ, điển hình như rừng của Công ty TN Phát Đạt (xã Cư M’lan, huyện Ea Súp) giảm 105,8 ha/148,8 ha, chiếm 73%, Công ty TNHH NL Thuận Thiên ( ở xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo) giảm 34,9 ha/77,3 ha, chiếm 45%... Ngoài ra, có 17 dự án bị xâm canh, lấn chiếm 1.974 ha. Nhiều DN đã bị người dân xâm canh, lấn chiếm phần lớn diện tích đất được giao, điển hình như: Công ty TNHH Gia Huy (huyện Ea Súp) bị lấn chiếm 349ha (chiếm 50% tổng diện tích), Công ty TNHH Sản xuất Rừng Xanh (huyện Ea H’leo) bị lấn chiếm 169 ha (36% diện tích), Công ty TNHH NL Thuận Thiên (huyện Ea H’leo) bị lấn chiếm 283 ha (chiếm 29%)…

Đất tại một dự án ở huyện Ea Súp bị người dân lấn chiếm trồng hoa màu.
Đất tại một dự án ở huyện Ea Súp bị người dân lấn chiếm trồng hoa màu.

Theo các chủ DN, việc quản lý bảo vệ rừng tự nhiên của họ hết sức khó khăn vì diện tích rừng được giao lớn, tình hình phá rừng trái phép diễn ra thường xuyên và phức tạp, trong khi đó, nguồn nhân lực, công cụ, phương tiện để sử dụng vào công việc quản lý bảo vệ rừng hạn chế. Ngoài ra, việc giữ rừng đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, nhưng Nhà nước chưa có cơ chế hỗ trợ cho DN; đất vùng dự án bị người dân lấn chiếm xảy ra tranh chấp kéo dài khiến DN không có quỹ đất để triển khai dự án.

Trước tình hình này, Sở NN-PTNT đã đề nghị UBND tỉnh giao cho UBND các huyện có các dự án trên địa bàn để xảy ra mất rừng chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, củng cố lại hồ sơ, xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định. Riêng các chủ dự án, cần tăng cường lực lượng tuần tra để quản lý bảo vệ an toàn diện tích rừng được giao, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các địa phương trên địa bàn đóng chân để được hỗ trợ, nâng cao khả năng đối phó với tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Đối với những diện tích đất bị xâm canh, lấn chiếm, UBND các huyện cần có các biện pháp hỗ trợ tích cực cho các chủ dự án trong việc giải tỏa, thu hồi để đưa vào thực hiện đầu tư theo đúng dự án được thẩm định…

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.