Multimedia Đọc Báo in

Không để dân đói, khát vì hạn hán

11:46, 29/03/2016

Trước tình hình hạn hán diễn ra ngày càng khốc liệt, gây thiệt hại không nhỏ đối với đời sống, sản xuất của người dân, UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương quyết liệt triển khai nhiều biện pháp chống hạn.

Hạn hán khốc liệt

Do ảnh hưởng của hiện tượng El - Nino nên mùa mưa năm 2015 đến muộn, kết thúc sớm. Tổng lượng mưa trên địa bàn tỉnh thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20 - 40%. Tại thời điểm này, lưu lượng dòng chảy tại hầu hết các sông, suối trên địa bàn tỉnh đều sụt giảm khoảng 50 - 70% so với trung bình của cùng kỳ hằng năm; mực nước ngầm tại nhiều địa phương đã tụt sâu từ 10 - 20 m so với năm 2015. Toàn tỉnh có 770 công trình thủy lợi (trong đó có 599 hồ chứa, 56 trạm bơm, 115 đập dâng) thì hầu hết đều không bảo đảm được dung tích thiết kế và đã có 68 hồ bị khô kiệt nước. Dự báo đến cuối tháng 3 có thể 250 hồ chứa trong tỉnh sẽ cạn kiệt, nhiều trạm bơm không còn nước để hoạt động, các mạch ngầm cũng khó còn nước để khai thác. Theo thống kê của Sở NN-PTNT, đến ngày 23-3, toàn tỉnh đã có khoảng 21.000 ha cây trồng bị hạn (trong đó có 2.640 ha lúa nước, 15.766 ha cà phê, 802 ha hồ tiêu…), thiệt hại ước tính khoảng 486 tỷ đồng), 13.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Nguy cơ đến cuối tháng 3, toàn tỉnh sẽ có khoảng 80.000 ha cây trồng bị khô hạn (trong đó có 70.000 ha cà phê, 10.000 ha lúa, tiêu) và khoảng 25.000 hộ dân sẽ thiếu nước sinh hoạt. Dự báo trong thời gian tới, tình hình hạn hán đang có nguy cơ diễn biến gay gắt, khốc liệt hơn nữa.

Người dân  xã Dur Kmăl (huyện  Krông Ana) tận dụng  mọi nguồn nước bơm chống hạn  cho cây lúa.
Người dân xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana) tận dụng mọi nguồn nước bơm chống hạn cho cây lúa.

Tại hầu hết các địa phương trong tỉnh, nhất là ở các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Bông, Cư M’gar, Krông Búk…, người dân đang phải tìm đủ mọi cách khoan, đào giếng ngay tại lòng hồ, suối khô kiệt để tìm nguồn nước ngầm cứu cây trồng và phục vụ sinh hoạt. Tại huyện Buôn Đôn, chỉ tính 3 xã Ea Nuôl, Tân Hòa và Ea Huar đã có khoảng 2.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Huyện Krông Búk gần 2 tháng nay hầu hết các hồ, đập đã cạn nước, trên 400 hộ dân tại xã Ea Sin phải tìm đến các khe suối rỉ nước, hứng từng can về sử dụng. Nhiều nơi ở các huyện Ea Kar, Krông Bông bà con đang phải khoan sâu thêm hàng chục mét tại các giếng cũ để tìm nguồn nước ngầm cứu cây trồng, vật nuôi.

Không để dân đói, khát

Ngay từ giữa mùa mưa năm 2015, UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 13/CT-UBND về việc tăng cường công tác phòng chống hạn hán, đối phó với ảnh hưởng của El - Nino, chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn nhằm bảo vệ sản xuất và bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân. Trước tình hình hạn hán khốc liệt như hiện nay, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương ưu tiên trước hết là nguồn nước sinh hoạt, nước uống hợp vệ sinh cho người dân. Kế tiếp là quan tâm nguồn nước uống cho vật nuôi và phục vụ sản xuất. UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương theo dõi diễn biến thời tiết, nắm bắt cụ thể, chính xác tình hình hạn hán trên từng địa bàn, nếu mức độ xảy ra trầm trọng thì phải giải ngân ngay nguồn kinh phí dự phòng để hỗ trợ, phối hợp cùng người dân chống hạn. Khi nguồn kinh phí vượt quá thẩm quyền giải quyết của địa phương thì phải báo cáo kịp thời để UBND tỉnh xử lý.

Hồ nước Ea Kap, xã Ea Sin (huyện Krông Buk) đã cạn trơ đáy
Hồ nước Ea Kap, xã Ea Sin (huyện Krông Buk) đã cạn trơ đáy.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Y Dhăm Ênuôl cho biết, vừa qua, Trung ương đã hỗ trợ tỉnh 22,4 tỷ đồng để triển khai các biện pháp cùng nhân dân chống hạn. UBND tỉnh sẽ họp bàn, đề nghị các sở, ngành tham mưu và đề xuất phương án cụ thể sớm giải ngân số tiền này; đồng thời, yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát, lập phương án ưu tiên hỗ trợ kịp thời đối với những hộ dân nào có nguy cơ bị đói, bị khát do hạn hán gây ra. “Tuyệt đối không được để dân bị đói, khát” – ông Y Dhăm Ênuôl nhấn mạnh. Theo ông Y Dhăm Ênuôl, về lâu dài, tỉnh đang tiến hành rà soát lại các công trình thủy lợi để thực hiện công tác nạo vét, tu sửa, mở rộng dung tích chứa các hồ, đập, đồng thời nâng cấp các công trình thủy lợi vừa và nhỏ, hoàn thiện, kiên cố hóa, bê tông hóa hệ thống kênh mương nội đồng. Bên cạnh đó, để phát triển sản xuất bền vững trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, UBND tỉnh cũng đề nghị Trung ương đầu tư đồng bộ dự án xây dựng các công trình thủy lợi lớn trọng điểm nhằm đáp ứng đủ nguồn nước phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất của nhân dân. Đề nghị Bộ NN-PTNT nghiên cứu chính sách lập dự án đầu tư áp dụng công nghệ tưới nước tiên tiến, tiết kiệm giống như đề án hỗ trợ tái canh cà phê, để bảo vệ nguồn nước và phục vụ sản xuất đạt hiệu quả.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Y Dhăm Ênuôl cho rằng, cùng với những nỗ lực của các cấp, ngành chức năng, địa phương, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra, trước hết người dân cần phải sử dụng nguồn nước tiết kiệm. Đối với việc bơm tưới cho cây trồng lâu năm thì nên chọn hình thức tưới nước nhỏ giọt tại gốc với lượng vừa phải. Đối với các loại cây ngắn ngày, người dân nên chuyển đổi mùa vụ gieo trồng sớm, sử dụng giống cây có khả năng chịu hạn cao, thực hiện các biện pháp tủ gốc hoặc phủ màng nilon nhằm hạn chế bốc hơi. “Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra tại nhiều địa phương, song không phải vì thế mà bà con sử dụng nước không hợp vệ sinh, rất dễ bị nhiễm bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhà nào giếng còn nước thì bà con nên san sẻ nhau sử dụng chung, nếu trường hợp cả khu dân cư không tìm được nguồn nước sinh hoạt thì báo ngay với chính quyền sở tại để có biện pháp hỗ trợ kịp thời” – ông Y Dhăm Ênuôl nói.

 Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.