Multimedia Đọc Báo in

Nuôi bò sinh sản - hướng thoát nghèo bền vững

09:08, 28/07/2015

Thông qua các nguồn hỗ trợ để phát triển kinh tế như vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ bò giống của chương trình lục lạc vàng, Chương trình 135/CP của Thủ tướng Chính phủ..., nhiều hộ nghèo trên địa bàn xã Bông Krang (huyện Lắk) đã đầu tư chăn nuôi bò cái sinh sản, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nuôi bò cái sinh sản là mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện đầu tư mua bò giống, nhiều hộ vì thiếu vốn, không đủ khả năng kinh tế để đầu tư nên cái nghèo cứ đeo đẳng từ năm này sang năm khác, nhưng cũng có hộ đã quyết định vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Đơn cử như hộ ông Y Bắp Nơm (buôn Ja), cách đây 2 năm, gia đình ông là hộ khó khăn nhất buôn. Cả nhà 6 miệng ăn chỉ trông chờ vào mấy sào đất trồng điều và sắn chẳng đủ ăn nên đến giữa năm 2013, thấy mô hình nuôi bò sinh sản của nhiều hộ dân ở địa phương có hiệu quả, vợ chồng ông đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội 20 triệu đồng và mượn thêm người thân, hàng xóm để mua 2 con bò cái. Qua học hỏi kinh nghiệm, tham gia các lớp tập huấn nuôi bò do địa phương tổ chức và nhờ sự cần cù, chăm chỉ chăn thả, sau 2 năm đàn bò đã đẻ được 2 lứa, lứa đầu đã bán được 28 triệu đồng. Bây giờ, vợ chồng ông không những đã trả được nợ cho Ngân hàng mà cuộc sống cũng đã ổn định hơn, các con được học hành đến nơi, đến chốn. Đặc biệt, xác định gắn bó lâu dài với nghề này nên ông đã dành ra 1 sào đất để trồng cỏ nhằm bảo đảm nguồn thức ăn cho bò trong cả năm. Ông Y Bắp chia sẻ: "Nghề nuôi bò rất đơn giản, ít rủi ro lại không tốn nhiều thời gian nên tôi vẫn có thể canh tác thêm mấy sào đất trồng điều, sắn để cải thiện kinh tế cho gia đình. Mỗi năm bò cái sinh sản một lứa, chỉ cần nuôi chưa đến 1 năm thì có thể bán khoảng 15 triệu đồng/con. Nhờ đó, gia đình tôi không những đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo mà còn có nguồn thu nhập ổn định và lâu dài"

Nhờ chăn nuôi bò, gia đình ông Y Bắp Nơm đã thoát khỏi hộ nghèo.
Nhờ chăn nuôi bò, gia đình ông Y Bắp Nơm đã thoát khỏi hộ nghèo.

Cuộc sống khó khăn lại đông con nên bà H'Vinh Dăk Căt (buôn Tiêu) phải chật vật chạy ăn từng bữa để lo cho gia đình. Dẫu vất vả làm đủ nghề từ làm thuê, cuốc mướn đến đi nhặt phân bò về bán nhưng vẫn thiếu trước, hụt sau. Ước mơ có một số tiền để mua bò về nuôi vẫn sẽ chẳng thực hiện được nếu không nhờ Chương trình "Lục lạc vàng" hỗ trợ gia đình 2 con bò cái từ cuối năm 2012. Có được con bò mơ ước, bà và các con thay phiên nhau chăn thả, đi cắt cỏ với mong ước có ngày cuộc sống sẽ khấm khá hơn. Nhờ được chăm sóc tốt, áp dụng biện pháp chăn nuôi đúng kỹ thuật nên đến nay hai con bò cái đã sinh sản được 2 bê con. Không những thế, bà H'Vinh còn đầu tư mua thêm một con nữa để phát triển đàn bò. Theo bà, nhờ chính sách hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo kịp thời và hiệu quả nên đã tạo động lực cho gia đình vươn lên phát triển kinh tế. Hay như Chương trình 135/CP của Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ hàng chục con bò giống cho người nghèo ở xã Bông Krang, riêng buôn Ja có 26 hộ được thụ hưởng từ chương trình này. Trong quá trình thực hiện, người chăn nuôi đều được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, làm chuồng trại, phòng chống dịch bệnh, phối giống... Được biết, hầu hết các hộ nghèo được hỗ trợ bò đều phát triển đàn bò rất tốt và từng bước vươn lên thoát nghèo.  Ông Ya Ly Kră Jễn, Phó Chủ tịch UBND xã Bông Krang cho biết: "Những năm trở lại đây, nghề nuôi bò được xem là mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của người dân địa phương bởi lợi nhuận cao và đầu ra thuận lợi, mặc khác nó giúp người lao động ở vùng nông thôn có việc làm ổn định và lâu dài. Trong đó, toàn xã đã có hàng trăm hộ được nhận bò giống từ các nguồn khác nhau, đây chính là cơ hội, động lực để họ vươn lên ổn định cuộc sống"

Hiện nay, tổng số đàn bò của toàn xã đã lên đến 3.200 con với gần 40% số hộ dân chăn nuôi. Nhằm chủ động nguồn thức ăn cho bò, các hộ chăn nuôi cũng đã phát triển diện tích đất trồng cỏ lến đến trên 10 ha. Nhờ đó, trong những năm qua tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm rõ rệt, hiện chỉ còn 421 hộ (chiếm tỷ lệ 26,9%). Hy vọng rằng, từ các chương trình, dự án nuôi bò sinh sản như hiện nay ngày càng sẽ có thêm nhiều hộ nghèo được hỗ trợ, thụ hưởng để nâng cao chất lượng cuộc sống, đây cũng là hướng thoát nghèo bền vững của các hộ dân.

 Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.