Multimedia Đọc Báo in

Tín dụng "vào mùa"

20:50, 01/11/2014
Cứ vào những tháng cuối năm là vào mùa tín dụng cao điểm, các ngân hàng liên tục đưa ra các gói cho vay ưu đãi, đặc biệt là các sản phẩm phục vụ mùa thu hoạch cà phê để cạnh tranh, hút khách.

Ngân hàng Á châu (ACB) triển khai chương trình cho vay chăm sóc cà phê nhằm hỗ trợ nguồn vốn cho khách hàng là cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu vốn để chăm sóc cà phê (chi phí phân bón, tưới tiêu, thuốc trừ sâu, nhân công, nông cụ…). Đối tượng được vay là những khách hàng có diện tích trồng cà phê tối thiểu 1 ha, cà phê có độ tuổi tối thiểu 3 năm. Số tiền vay tối đa lên đến 60 triệu đồng/ha, với thời gian vay tối đa 12 tháng, lãi suất tính trên dư nợ thực tế (dư nợ giảm dần). Trong khi đó, Ngân hàng Thương mại Cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) dành 2.000 tỷ đồng cho vay chăm sóc, khai thác, thu mua cà phê, với lãi suất chỉ 7,5%/năm đối với  cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh có nhu cầu vay vốn ngắn hạn trong 6 tháng đầu tiên, sau đó áp dụng lãi suất cho vay đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn theo quy định hiện hành của BIDV. Trong khi đó, đại diện Ngân hàng NN-PTNT Dak Lak (Agribank) cho biết, ngân hàng này đang chờ sự đồng ý của Chính phủ với đề xuất mua tạm trữ 200 nghìn tấn cà phê của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) trong niên vụ này để hỗ trợ giá cho nông dân. Nếu được Chính phủ đồng ý thì Agribank Dak Lak sẽ có khoảng 5 đến 6 nghìn tỷ đồng cho vay tạm trữ cà phê.

Khách hàng  đang  mua sắm tại  Trung tâm Điện máy Nguyễn Kim  (TP. Buôn Ma Thuột).
Khách hàng đang mua sắm tại Trung tâm Điện máy Nguyễn Kim (TP. Buôn Ma Thuột).

Bên cạnh những gói tín dụng “đón đầu” mùa thu hoạch cà phê tại Tây Nguyên, nhiều ngân hàng trên địa bàn cũng triển khai nhiều gói sản phẩm nhằm phục vụ mùa tín dụng cao điểm cuối năm. Mới đây nhất, để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) có thêm dòng vốn lưu động nhằm nắm bắt tốt hơn cơ hội kinh doanh cuối năm, Ngân hàng Bảo Việt (BaovietBank) đã triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dành cho DN vừa và nhỏ, lãi suất chỉ 6,99%/năm trong 3 tháng đầu tiên, các tháng tiếp theo sẽ linh hoạt theo quy định của BaovietBank trong từng thời kỳ. Ngoài ra, khách hàng cũng được hưởng các ưu đãi khác như miễn phí chuyển tiền trong hệ thống, giảm đến 20% phí chuyển tiền ngoài hệ thống, giảm 30% phí rút tiền mặt trong vòng 3 ngày và nhiều ưu đãi khác…, được áp dụng với tất cả các DN vừa và nhỏ (dưới 300 lao động, nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng). Chương trình này sẽ kéo dài đến hết 31-12-2014 hoặc khi giải ngân hết hạn. Theo Giám đốc BaovietBank chi nhánh Dak Lak Lê Quân, đây là gói sản phẩm rất phù hợp với các DN trên địa bàn tỉnh, nhất là vào thời điểm cuối năm cần có nhiều tiền để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó các ngân hàng thương mại cổ phần lớn khác như Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), hay Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank)… lại chú trọng cho vay tiêu dùng như mua ôtô, mua nhà…

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Dak Lak, đến nay, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 2,1% so với đầu năm, nguyên nhân tăng trưởng yếu do nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng nhất là sức hấp thụ vốn còn yếu của nền kinh tế. Trong khi đó Chính phủ vẫn liên tục yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải điều hành quyết liệt để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu đề ra là 12 – 14%. Với những sản phẩm phục vụ mùa tín dụng cao điểm cuối năm của các ngân hàng, nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng sẽ có chuyển biến tích cực.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.