Multimedia Đọc Báo in

Phản bác các luận điệu xuyên tạc cuộc chiến chống Covid-19 của Việt Nam

08:40, 18/03/2020

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, thời gian qua cả hệ thống chính trị đã có nhiều giải pháp quyết liệt, kịp thời, chủ động, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn trong phòng chống, kiểm soát dịch Covid-19.

Ghi nhận những nỗ lực phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam thời gian qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều quốc gia có nền y tế tiên tiến đánh giá Việt Nam đã xử lý dịch bệnh Covid-19 rất tốt.

Thế nhưng, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước thông qua các mạng xã hội, các website phản động tiếng Việt đã xuyên tạc, bóp méo sự thật về những nỗ lực chống dịch Covid-19 của Việt Nam. Đơn cử, ngày 28-1-2020 trên trang RFI tiếng Việt đăng bài “Virus corona: Việt Nam sẽ bị nặng nhất, sau Trung Quốc?”, trong đó người viết đã đưa ra những ý kiến nhận định có phần chủ quan về công tác ứng phó của Việt Nam và cho rằng nhiều chuyên gia Việt Nam và ngoại quốc dự báo rằng tình hình lây nhiễm virus Corona ở Việt Nam sẽ phức tạp vì “dễ dãi” với việc khách Trung Quốc nhập cảnh, sẽ là quốc gia bị dịch bệnh nặng nhất, sau Trung Quốc. Thế nhưng, thực tế công tác ứng phó, chống dịch sau đó của Chính phủ, ngành Y tế và nhân dân Việt Nam đã cho thấy nhận định kia là chủ quan duy ý chí. Đây là một dạng tin “xấu”, “độc”, thiếu tính xây dựng cần lên án. Tiếp đó, ngày 19-2-2020, trong bài “Việt Nam phong tỏa phòng Covid-19:

Cuộc sống của người dân Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc những ngày bị cách ly vẫn yên bình  dưới sự giúp đỡ, kiểm soát của lực lượng chức năng.    Ảnh: Tiền Phong
Cuộc sống của người dân Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc những ngày bị cách ly vẫn yên bình dưới sự giúp đỡ, kiểm soát của lực lượng chức năng. Ảnh: Tiền Phong

Thiếu chuẩn bị tâm lý, lợi bất cập hại” nói về việc tỉnh Vĩnh Phúc quyết định phong tỏa xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên ngày 13-2 vì có nhiều người mắc Covid-19 là “lợi bất cập hại” vì “thiếu sự chuẩn bị tâm lý và kỹ năng phòng dịch cho người dân, trước một đợt phong tỏa kéo dài, đặt người dân vào thế thụ động, lo lắng, hoang mang, khiến đợt phong tỏa phòng dịch có thể dễ dàng mất đi hiệu quả mong muốn, nhất là trong bối cảnh nỗi ám ảnh do virus đè nặng, không khí kỳ thị dân cư vùng bị dịch khá phổ biến ở nhiều nơi”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy đến ngày 4-3-2020 sau 21 ngày, xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên) không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh nào nên được gỡ bỏ lệnh cách ly. Rõ ràng ai cũng thấy cách ly là giải pháp cực kỳ quan trọng, giúp khống chế dịch, không để lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Trong việc này, ngành Y tế và nhân dân có lo lắng nhưng không phải là không “chuẩn bị tâm lý”, mà nhờ chuẩn bị tốt tâm lý nên kết quả mới đạt như vậy. Mọi sự nhận định hồ đồ, thiếu khách quan, thiếu tính xây dựng như những nội dung dẫn ra trong bài báo sẽ làm tâm lý người dân thêm hoang mang. Ngoài ra một số trang mạng tiếng Việt ở nước ngoài có những nhận định như: các cơ sở cách ly ở Việt Nam sắp quá tải; hoài nghi về các kết quả xét nghiệm của Việt Nam cho rằng số người mắc Covid-19 trên thực tế cao hơn số công bố…

Phải khẳng định rằng, các kết quả xét nghiệm của Việt Nam là chính xác. Trình độ và máy móc dùng để xét nghiệm vi rút Corona chủng mới của Việt Nam không thua gì các nước có nền y tế tiên tiến, thậm chí Việt Nam đã sản xuất bộ kit xét nghiệm virus Corona chủng mới cho kết quả sau 80 phút, một lần được 50 mẫu. Đến ngày 12-3 vừa qua, nhờ sử dụng bộ kit này mà ngành Y tế Việt Nam phát hiện nhanh thêm 23 trường hợp nhiễm Covid-19 và test nhanh các trường hợp nghi nhiễm, cách ly với nhiều kết quả âm tính. Đây là những kết quả và con số chính xác, Việt Nam không giấu dịch.

Còn về khả năng cách ly của Việt Nam, riêng hệ thống quân đội đã có trên 60 điểm cách ly với số lượng khoảng trên 30.000 người. Chúng ta cũng đã có phương án dự phòng bổ sung khi số lượng người mắc và cách ly nhiều hơn, thậm chí trong trường hợp xấu nhất. Đó là chưa kể việc thực hiện phương thức cách ly 4 vòng và các phương tiện vật chất phục vụ công tác cách ly không ngừng được bổ sung. Thế nên, khả năng đáp ứng cách ly của Việt Nam là rất tốt.

Chưa hết, nhận định “Ứng phó với Covid-19: Việt Nam 'trước thụ động, sau thái quá'?” đăng trên BBC tiếng Việt ngày 20-2-2020 dẫn lời Tiến sĩ Trần Tuấn nào đó phân tích về những quyết định của chính quyền trong việc công bố hết dịch ở một số tỉnh, cho học sinh nghỉ học và sự lơ là, chủ quan của người dân cũng như sự hoang mang, lo lắng thái quá dẫn đến hậu quả về mặt tâm lý, kinh tế, xã hội và chính trị…

Đây cũng có thể là những lo lắng thái quá của ông tiến sĩ kia và các thế lực thù địch nước ngoài; bởi đến nay, thực tế chứng minh rằng những quyết định trên là đúng đắn; chính quyền các cấp ở Việt Nam và đa số người dân chưa lúc nào thụ động chờ dịch đến cũng như có hành động nào thái quá vượt tầm kiểm soát của ngành y tế. Chỉ có một số ít người tung tin “vịt” làm hoang mang cộng đồng, đưa đến những sự lo lắng của một bộ phận nhân dân và một nhóm người lợi dụng tâm lý này trục lợi. Tất cả đều bị xử lý đích đáng, đúng pháp luật và góp phần cảnh tỉnh, răn đe những người khác. Đến nay, dù ca mắc đang tăng lên và có thể nhiều hơn nữa nhưng diễn biến của dịch vẫn nằm trong vòng kiểm soát của ngành Y tế và Chính phủ Việt Nam.

Qua những dẫn chứng trên có thể thấy là các thế lực thù địch thông qua mạng xã hội ở nước ngoài luôn tìm mọi cách để xuyên tạc về mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam mà cuộc chiến chống Covid-19 là một điển hình. Tuy nhiên, người dân và cả hệ thống chính trị luôn đồng lòng ủng hộ Nhà nước trong công tác ứng phó dịch Covid-19; Chính phủ và ngành Y tế có những chủ trương và biện pháp phù hợp nên đến nay Việt Nam vẫn đang kiểm soát được tình hình. Đây là câu trả lời cho những luận điệu xuyên tạc, thù địch vừa qua.

TS. Ngô Khắc Sơn

(Học viện Chính trị khu vực III)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.