Multimedia Đọc Báo in

Vững một niềm tin

06:00, 19/01/2020

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là sự kiện chính trị có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hướng về sự kiện này với niềm tin, kỳ vọng về một Đại hội trí tuệ - dân chủ - đoàn kết và đổi mới toàn diện, từ đó đề ra những quyết sách đúng đắn, phù hợp để xây dựng Đắk Lắk ngày càng phát triển.

Đồng chí Nguyễn An Vinh (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk):  

Tập trung phát triển giao thông, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và đẩy mạnh cải cách hành chính

Trong nhiệm kỳ vừa qua, nhìn chung bộ máy Đảng, chính quyền của tỉnh đã vận dụng những chủ trương, đường lối của Đảng vào điều kiện thực tế địa phương để lãnh đạo, điều hành và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Trước hết phải kể đến công tác đoàn kết các dân tộc. Là một tỉnh có đến 49 dân tộc anh em cùng sinh sống mà tình hình an ninh chính trị ổn định và công tác đoàn kết dân tộc được đề cao trong từng cơ quan, tổ chức chính trị, nghề nghiệp, buôn làng… thì rất đáng hoan nghênh. Cùng với đó, nhiệm vụ phát triển kinh tế cũng có nhiều đổi mới. Tỷ lệ tăng trưởng của các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ phát triển rõ rệt, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu nhập cho người dân. Về văn hóa - xã hội cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều trường học chất lượng cao, trường điểm, trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới đã có những thay đổi đáng kể…

Đối với công tác xây dựng Đảng, nhìn chung toàn Đảng bộ đã xây dựng được sự đoàn kết nhất trí cao. Việc tu dưỡng, học tập, rèn luyện theo tấm gương đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh được đông đảo cán bộ đảng viên và nhân dân nhiệt tình hưởng ứng… Những ưu điểm đó của Đắk Lắk đã tạo dựng được niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo Đảng. Đắk Lắk đã giữ được vị trí quan trọng của Tây Nguyên về mọi mặt… 

Để Đắk Lắk có thể phát triển mang tính đột phá hơn trong thời gian tới, theo tôi, bộ máy lãnh đạo Đảng, chính quyền ở địa phương cần tập trung vào những vấn đề chính là: Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; khẩn trương đầu tư phát triển hệ thống giao thông và thực hiện tốt công tác cải cách hành chính để thu hút đầu tư…

Ông Y Sắt Adrơng (Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng buôn Ea Brơ, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk):

Quan tâm hơn nữa đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trong nhiệm kỳ qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã nỗ lực triển khai thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ hộ nghèo, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng buôn Ea Brơ đã được quan tâm đầu tư xây dựng nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nhựa hóa và lắp điện thắp sáng đường liên buôn, hỗ trợ 32 con bò cho hộ nghèo, xây dựng nhà 134, nhà 167 cho 9 hộ khó khăn về nhà ở… Người dân được tín chấp vay vốn, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp nông dân yên tâm lao động sản xuất, làm giàu trên mảnh đất quê hương mình. 

Mặc dù đời sống của người dân cũng như bộ mặt buôn làng đã có nhiều khởi sắc nhưng tình hình dịch bệnh, giá cả nông sản sụt giảm, thời tiết diễn biến thất thường đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Tôi rất mong đại hội Đảng các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sắp tới sẽ có nhiều chủ trương, những giải pháp liên quan đến quốc kế dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được bàn thảo và quyết định. Trong đó, cần chú trọng đến vấn đề liên kết sản xuất; đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên nông thôn; kiên cố hóa hệ thống giao thông tạo thuận lợi cho người dân đi lại, sản xuất.

H’Phin Êung (Giáo viên Trường Tiểu học Y Ngông Niê Kdăm, xã Đắk Nuê, huyện Lắk):

Đầu tư nhiều hơn cho giáo dục ở vùng khó khăn

Thời gian qua, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành nên việc dạy và học của giáo viên và học sinh có nhiều chuyển biến. Cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục đã được đầu tư kiên cố hóa và chuẩn hóa; các chính sách cho nhà giáo, học sinh được quan tâm, nhất là ở vùng sâu, vùng xa đã góp phần tạo điều kiện cho học sinh đến trường… Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác dạy và học, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Ví dụ như điểm trường buôn Đắk Sar vẫn rất khó khăn, vất vả khi đây được coi là buôn “5 không” (không đường, không điện, không nước, không chợ, không hộ khẩu) của huyện Lắk.

Cuộc sống vật chất tuy còn thiếu thốn nhưng giáo viên chúng tôi cũng cố gắng vượt qua được, chỉ thương các em học sinh còn nhiều vất vả để tới trường. Cũng như tất cả các thầy cô khác, tôi mong muốn được Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác giáo dục, đặc biệt là có chính sách ưu tiên cho học sinh các vùng còn nhiều khó khăn để các em tới trường. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn nữa đối với việc học tập của con em của mình. Với sự quan tâm, yêu thương của phụ huynh và sự dìu dắt, dạy dỗ của thầy cô giáo sẽ giúp các em đến với tri thức, trí tuệ, giúp chúng ta vượt qua lạc hậu, đói nghèo để xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn…

Ông Phan Văn Chung (Công nhân quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp Điện lực Nam Buôn Ma Thuột):

Tiếp tục quan tâm, giải quyết việc làm cho người lao động

Trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn ít nhà máy, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Mặt khác, việc kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động khiến lao động địa phương phải đi làm ăn xa tại các tỉnh phía Nam hoặc ra nước ngoài. Thêm vào đó, dù chính sách tiền lương đã có nhiều thay đổi tích cực nhưng vật giá lại leo thang, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến người lao động gặp khó khăn trong cuộc sống.

Tôi tin tưởng rằng sang nhiệm kỳ mới 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sẽ thể hiện hết tài năng, tâm huyết để đưa ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Từ đó giúp người lao động có thêm nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống. Bên cạnh đó, tôi cũng mong rằng chính quyền địa phương có những giải pháp bình ổn giá, chú trọng an sinh xã hội, giữ vững an ninh trật tự để người lao động có thể toàn tâm, toàn lực hoàn thành tốt công việc của mình, góp phần chung tay xây dựng Đắk Lắk ngày càng giàu đẹp.

Em Nguyễn Thị Dịu (Sinh viên lớp Thú Y K15 Trường Đại học Tây Nguyên):

Đổi mới giáo dục, tạo môi trường học tập tiến bộ cho học sinh, sinh viên

Là sinh viên, tôi luôn ủng hộ quan điểm về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, coi đây là một mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra và quyết tâm thực hiện trong 5 năm qua. Việc có một môi trường học tập tiến bộ, gắn liền với nhu cầu sẽ thúc đẩy học sinh, sinh viên yêu thích và sẽ góp phần nâng cao khả năng sáng tạo. Bản thân tôi cảm nhận rõ nền giáo dục nước ta nói chung và tỉnh nhà nói riêng đã có nhiều thay đổi khá tích cực để phù hợp với tình hình mới. Tôi mong muốn có sự thay đổi mạnh mẽ và rõ ràng hơn nữa để sinh viên có điều kiện trải nghiệm những mô hình học tập tiên tiến nhất. 

Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ tỉnh sắp tới đang nhận được rất nhiều kỳ vọng của không chỉ riêng giới sinh viên chúng tôi mà là của tất cả các tầng lớp nhân dân về một sự đổi mới, cải cách đồng bộ, hứa hẹn những bước chuyển mình mang tính đột phá của tỉnh cũng như của đất nước trong giai đoạn tới. Tôi mong rằng Đại hội Đảng sẽ đưa ra những quyết sách giúp cho sinh viên sau khi ra trường có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm hơn, được làm công việc mình yêu thích đúng với chuyên ngành theo học. Việc được làm đúng ngành nghề đào tạo sẽ cho năng suất và chất lượng công việc tốt hơn, tâm lý thoải mái và vui vẻ hơn. Tuổi trẻ chúng tôi sẽ cống hiến được nhiều hơn cho sự phát triển chung của đất nước. 

Ông Y Hai Ayun (Nông dân thôn Cư Blang, xã Pơng Drang, huyện Krông Búk):

Cần giải quyết đầu ra cho nông sản

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã tập trung đầu tư rất lớn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, các cấp, ngành, địa phương cũng luôn quan tâm chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật để bà con áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, từng bước phát triển kinh tế, góp phần đưa bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống của nông dân được nâng lên cả vật chất lẫn tinh thần. Điều đó chứng minh cho sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Nhà nước trong việc đề ra đường lối, chủ trương và có những bước đi, biện pháp phù hợp. 

Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển của đất nước, nông dân chúng tôi cũng bày tỏ mong muốn Đảng và Nhà nước cần có chính sách mới và linh hoạt đối với “đầu ra” của nông sản. Đây cũng là thách thức lớn cho người nông dân và là rào cản đối với phát triển sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, cần có những định hướng cho nông dân phát triển sản xuất theo hướng an toàn với quy mô lớn; hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nông dân bắt tay nhau chặt chẽ hơn trong quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản, đưa nền nông nghiệp phát triển một cách bền vững, đem lại giá trị đúng với tiềm năng, lợi thế vốn có...

Nhóm phóng viên (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.