Multimedia Đọc Báo in

Người trồng cà phê nghĩ về Lễ hội Cà phê

09:52, 10/03/2017

Ngay từ cuộc họp báo đầu tiên chuẩn bị cho Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 - năm 2017, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh đã lưu ý: Người trồng cà phê là chủ thể số một của lễ hội, thông qua sự kiện quan trọng này, cộng đồng sản xuất, kinh doanh cà phê có cơ hội và điều kiện kết nối, hỗ trợ nhau để gia tăng chuỗi giá trị cho ngành hàng được xem là mũi nhọn của Đắk Lắk hiện nay.

Không đứng ngoài cuộc

Qua nhiều hoạt động, chương trình diễn ra tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần này cho thấy người nông dân trồng cà phê ở đây đã được tạo điều kiện tham gia vào “sân chơi” này một cách bình đẳng và thật sự có ý nghĩa.

Ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) sản xuất cà phê Công Bằng (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar) cho rằng: đây là dịp để chúng tôi đến đó giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác mua bán cà phê với các doanh nghiệp lớn. Hơn thế, chúng tôi còn mong muốn liên kết với các nhà đầu tư có tiềm lực để tiếp tục xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu tốt hơn, bền vững hơn. Chỉ khi nào có được vùng nguyên liệu như thế thì mới tạo ra chuỗi giá trị gia tăng cho mặt hàng cà phê ở đây. Ông Phúc cho hay, thời gian qua HTX Công Bằng đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu cà phê đứng chân trên địa bàn như Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9, Công ty liên doanh chế biến cà phê xuất khẩu Dak Man – Buôn Ma Thuột… để nâng cao chất lượng sản phẩm từ khâu chăm bón, thu hoạch, chế biến cho đến việc tự chủ chọn lựa đối tác tiêu thụ. Tuy nhiên, hơn 220 ha cà phê của xã viên HTX Công Bằng góp vào để thâm canh theo quy trình sạch còn quá nhỏ bé so với thực tế, vì thế muốn mở rộng thì nhất thiết phải liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Xa hơn, để không còn phụ thuộc quá nhiều vào các nhà xuất khẩu trong nước, thì không còn cách nào khác là tìm con đường tiêu thụ cà phê trực tiếp với các nhà rang xay, không qua trung gian mới mong nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trực tiếp làm cà phê. Những trăn trở ấy, ông Phúc hy vọng sẽ có lời giải thông qua các hoạt động mua bán, ký kết và tìm kiếm đối tác đầu tư tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần này.

Sản xuất cà phê theo mô hình liên kết, bền vững là mong muốn của người nông dân.      Ảnh: T. Hường
Sản xuất cà phê theo mô hình liên kết, bền vững là mong muốn của người nông dân. Ảnh: T. Hường

 

 
 “Cần phải thay đổi cung cách làm ăn, đặc biệt là với cây cà phê - phải liên kết các hộ và nhóm hộ sản xuất lại với nhau dưới sự bảo trợ, giúp đỡ của các nhà doanh nghiệp, khoa học và quản lý nhằm tạo ra vùng thâm canh nguyên liệu rộng lớn, có chất lượng thì giá trị hạt cà phê mới được nâng cao. Điều đó chúng tôi đang trông chờ hiệu quả thiết thực từ Lễ hội Cà phê lần này mang lại” 
 
Lão nông Phan Vĩnh Nam (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột)  

Ở góc nhìn khác và cũng là tâm tư chung của nhiều hộ trồng cà phê ở Buôn Ma Thuột hiện nay, lão nông Phan Vĩnh Nam (thôn 11, xã Ea Tu) tâm sự: Vườn cà phê của bà con ở đây phần lớn già cỗi, năng suất thấp, chất lượng kém, tiêu thụ bấp bênh là nỗi lo thường trực đối với người sản xuất. Lễ hội Cà phê lần này, có một số nội dung mà người nông dân quan tâm là Hội thảo khoa học chuyên ngành cà phê; Hội thi nhà nông đua tài; Giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm, ký kết với các nhà đầu tư, nhà khoa học để phát triển cà phê bền vững; Xúc tiến kêu gọi đầu tư vùng Tây Nguyên… hy vọng sẽ giúp người trồng cà phê ở đây thay đổi tích cực đời sống sản xuất của mình. Ông Nam cho rằng, cần phải thay đổi cung cách làm ăn, đặc biệt là với cây cà phê - phải liên kết các hộ và nhóm hộ sản xuất lại với nhau dưới sự bảo trợ, giúp đỡ của các nhà doanh nghiệp, khoa học và quản lý nhằm tạo ra vùng thâm canh nguyên liệu rộng lớn, có chất lượng thì giá trị hạt cà phê mới được nâng cao. Điều đó chúng tôi đang trông chờ hiệu quả thiết thực từ Lễ hội Cà phê lần này mang lại.  

Những kỳ vọng

Có thể nói tâm tư của người nông dân sản xuất cà phê như ông Nam đã bắt đầu được giải tỏa khi được tin nhân Lễ hội Cà phê lần này, Công ty Cổ phần Vinacafé Biên Hòa và Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền  thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược trong chương trình “Hỗ trợ phát triển Cà phê Buôn Ma Thuột” trong thời gian tới. Theo cam kết, hai công ty trên cùng đơn vị quản lý là Sở NN-PTNT và Trung tâm Khuyến nông Đắk Lắk sẽ tiến hành các bước khảo sát, đánh giá và xây dựng vùng sản xuất cà phê chất lượng theo chuỗi và năng suất cao tại xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột.

Ông Phạm Quang Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vinacafé Biên Hòa và ông Võ Văn Phu - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền khẳng định: Chương trình này là tiền đề quan trọng cho việc xây dựng, hợp tác chiến lược toàn diện, đồng bộ và dài hạn nhằm phát triển Cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng và Việt Nam nói chung trong tương lai không xa. Các hoạt động của chương trình được xây dựng trên cơ sở bám sát nhu cầu cấp thiết và những thách thức ngày càng gia tăng của ngành sản xuất, canh tác cà phê tại Đắk Lắk, đó là các vấn đề liên quan đến chất lượng hạt cà phê và làm sao gom các hộ nông dân đang canh tác nhỏ lẻ trở thành vùng chuyên canh tập trung theo tiêu chuẩn đặt ra về năng suất lẫn chất lượng. Ba vấn đề trọng tâm của chương trình này là tái canh vườn cây, trồng và chăm sóc, kỹ thuật thu hoạch - chế biến cà phê sẽ được “4 nhà” (nông dân - khoa học - doanh nghiệp - quản lý) thực hiện đồng bộ và gắn kết, giúp các nông hộ sản xuất mặt hàng chiến lược này từng bước vươn lên thông qua chuỗi giá trị của hạt cà phê mang thương hiệu Buôn Ma Thuột.

Rõ ràng, người nông dân trồng cà phê ở Đắk Lắk như ông Nam, ông Phúc có quyền kỳ vọng về tương lai của mình và của cả cộng đồng dựa trên niềm tin và từng bước đi song cùng của “4 nhà” nói trên để hương cà phê trên vùng đất này bay xa hơn sau Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6-2017. 

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.